Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2010

NÓI NGỌNG, VIẾT NGỌNG



Năm thứ 2 đại học. Trong tiết học vật lý cao cấp, anh được gọi lên bảng để giải quyết một bài tập khá hóc búa. Bài toán được anh xử lý tươm tất, song kỳ lạ thay, ở phía dưới lớp, dường như có tiếng ai đó xì xào, cười đùa. Rất nhỏ thôi, nhưng anh vẫn biết. Chỉ có điều, anh không biết các bạn đang cười là cái gì thôi! Lúc xuống đến chỗ ngồi, chỉ vài cái nheo mắt là anh biết ngay: Tật nói ngọng chữ l thành chữ n của anh.

Thế đấy! Thật là phát ngượng. Vậy mà chẳng biết làm thế nào. Anh sinh ra ở vùng quê mà cả làng, cả xã đều nói thế. Lâu rồi anh quên mất chứ chưa biết chừng, cô giáo cũng nói ngọng nốt ấy chứ! Cả mười mấy năm trời, kể từ lần đầu tiên biết cất tiếng nói cho đến ngày vào đại học, anh vẫn nói thế.

Tan học, anh lững thững bước về ký túc xá. Chợt như có ai đang nói cái gì đó rất nhẹ ở phía sau. Anh quay lại. Cô bạn gái anh quý mến nhất đang ở sát ngay sau lưng. Anh đứng lại, cười cười. Bạn bảo: “Bạn nhớ lúc làm bài vật lý ấy không? Bạn giỏi lắm! Nhưng đừng nói ngọng nữa nhé! Học khó thế mà còn học giỏi được. Sửa cái tật nói ngọng cũng phải sửa được chứ!” Anh cười: “Tôi sẽ cố gắng. Lâu quá, quen mất rồi. Khổ thế chứ!”

Rồi anh hỏi bạn thật kỹ. Ví dụ nhé! Con lợn mà nói đúng là như thế nào? Ở quê anh, trong đám cỗ, cả làng chỉ biết nói con nợn thôi. Bạn hướng dấn anh. Đây nhé, nói thế này mới đúng. Uốn lưỡi lên nào! Có phân biệt được tôi nói thế nào không? Tốt lắm! Tập đi nhé!

Hôm sau, anh dúi vào tay bạn một lá thư viết vội. Hồi hộp lắm! Hết giờ ra chơi, chẳng thấy bạn nói gì. Cuối giờ sáng, bạn viết vội một mảnh giấy nhỏ đặt vào tay anh trước khi lên xe đạp về nhà. Mảnh giấy viết: “Bạn giỏi lắm! Bạn viết rất là hay và đặc biệt là viết rất đúng. Bạn chỉ nói ngọng thôi, chứ không hề viết ngọng. Như thế, sửa sẽ nhanh thôi. Cố gắng lên nhé!”.

Trời đất ơi! Tưởng nói ngọng đã là hết hơi rồi. Ai dè, lại còn viết ngọng nữa à! Mà viết ngọng là gì nhỉ? Thôi kệ, mình không viết ngọng là được rồi!

Từ đấy, sáng nào anh cũng thức dậy sớm, tập thể dục chân tay và tập luôn thể dục bằng việc nói đủ 30 lần câu Lão Lang Lên Làng Liêm Lấy Lòng Lợn Luộc. Chưa đầy 1 tháng sau, các bạn trong lớp cực kỳ ngạc nhiên vì anh đã hoàn toàn khỏi cái kiểu ngọng líu ngọng lô nhà quê kia rồi.

Cô bạn thân phấn khởi lắm. Cô vui ra mặt. Có lần cô hỏi: “Bạn có biết, bạn nói ngọng thế mà vì sao cả năm thứ nhất không ai cười gì bạn không?”. Anh giật mình: “Không biết! Vì sao?”. “Vì người ta coi thường bạn, coi như bạn sẽ chẳng bao giờ bén mảng được đến cái thế giới của dân thành phố ở đây. Hiểu không? Tức là không thèm chơi ấy. Nhưng vì bạn giỏi, không ai coi thường. Thế người ta mới cười đấy. Cười nghĩa là người ta còn yêu bạn đấy. Biết không ? ».

Gần 32 năm sau, anh mới biết thế nào là viết ngọng. Hóa ra, viết ngọng sửa khó hơn nói ngọng rất nhiều. Viết ngọng là không hiểu từ, nó thuộc về kiến thức. Nói ngọng thì chỉ là thể hiện sai từ ấy mà thôi, nó thuộc về vấn đề kỹ thuật phát âm.

Chiều thứ 7, thấy các bạn công ty viết quotation cho khách hàng, trong đó có 2 từ làm anh giật nảy mình : Chúng thưởngTrương trình. Đúng ra thì đó là 2 từ Trúng thưởng Chương trình. Các bạn đã viết thành chúng trong từ quần chúngtrương trong từ trương tuần, trương phềnh.

Tự nhiên anh cáu um lên. Đành rằng cái đấy mà gửi cho khách hàng thì chắc là phải xấu hổ lắm lắm. Nhưng thực sự thì các bạn đã ai được nghe một lời bảo ban nhẹ nhàng như anh ngày trước đâu nhỉ ? Đấy là chưa kể, viết ngọng sửa khó hơn nói ngọng rất nhiều !




31 nhận xét:

  1. @DMT:
    Haha, em biết là ai sửa nói ngọng cho anh chàng trong entry này rồi.

    Trả lờiXóa
  2. @VMC: Phải cái người anh VMC hết lời khen không nhỉ? (wink, wink) :)

    Trả lờiXóa
  3. Có những người bạn thông minh, chân thành, chân tình và tế nhị như thế là diễm phúc! Mừng cho Anh!

    Anh nhận xét chính xác, rằng "Viết ngọng là không hiểu từ, nó thuộc về kiến thức"

    Trả lờiXóa
  4. Nói ngọng là do thói quen, còn viết ngọng là do hổng kiến thức cơ bản.

    Ai mà anh cứ úp mở thế nhỉ?

    Trả lờiXóa
  5. he he, bài này của anh làm em xấu hổ khi nhớ đến thời gian đầu tiên em biết chơi blog và viết nhiều bằng tiếng Việt. Lúc đó em thấy ngôn ngữ ngọng của blog hay hay, thế là em cứ bẻ cong đi hết những câu chử trong tiếng Việt cho nó ngọng ngã ngớn như em bé. Khi đó em chỉ nghĩ rằng nghe nó vui tai và sành điệu.
    Nhưng sau khi em đọc một vòng blog thì em thấy rằng, viết ngọng nó ảnh hưởng đến tâm trạng của người đọc những gì mình viết, và hơn nữa học tiếng Việt mà mình lại đi bóp méo nghĩa đúng của nó thì...chả ra làm sao cả. Thế là em bỏ luôn cái lối viết ngọng này, em tập sửa luôn cả lỗi hỏi ngã. Bây giờ thì em đang tập viết cả essay tiếng Việt để từ ngữ diễn đạt của em nó phong phú hơn.
    Nhưng em vẫn thích tiếng nói ngọng của vùng anh đấy, em vẫn thích xưng nick là "Nu" hơn là "Lu". Em không thấy nó nhà quê mà chỉ nói lên một đặc tính của người một miền thôi. em lại thích những ngôn ngữ nhà quê trong tiếng Việt của mình. Chỉ khi nghe nó thì mình lại nhớ đến cả một làng quê Việt Nam chưa bị đô thị hóa, chưa bị biến chất.
    Một chị người Nam, vùng Bạc Liêu, trong công ty em không nói được chử "R" khi dùng tiếng Việt. Có lần bị động đất, chị ấy kể lại với em bằng vẻ mặt hoảng hốt, "ghê quá em ơi! đất nó "gung ging...gung ging"..." nghe tới câu đó em bật cười, chị cũng cười và không còn sợ nữa. Đặc tính tiếng nói vùng miền của chị lại quay về trong lúc hoảng sợ nhất.

    Trả lờiXóa
  6. Hạnh Phúc Lang Thanglúc 20:35 25 tháng 4, 2010

    Điều quan trọng là mình nhận ra cái ngọng để kịp thời điều chỉnh. Thói quen nói ngọng thì cần có thời gian sẽ sửa được thôi, trên hết là người nói ngọng có ý thức được và chịu sửa hay không. Xa hơn tí, em vẫn làm việc chung với rất nhiều người nói… ngọng, nhưng vì họ ôm bằng Master, bằng TS nên nhất định không thèm nghe và không điều chỉnh thói quen để nói đúng. Ngọng này là ngọng tiếng Anh chứ không phải tiếng Việt. Rất căn bản : SHE nhưng đa phần cứ Xi chứ không Shi, thậm chí cắt hẳn đuôi của một từ khi phát âm làm cho nice, nine, night biến thành NAI cho gọn. Người Việt hiểu tiếng Anh của người Việt. Nhưng các anh Tây thì phải bỡ ngỡ làm quen với vô vàn cái ngọng của người ngoại quốc nói tiếng Anh. Em thì cũng tự luyện để không bị …ngọng, chứ phê người ta mà mình mắc phải thì xem sao đặng.

    Trả lờiXóa
  7. VMC: Chẳng cái gì giấu được em nhỉ? Hic

    Trả lờiXóa
  8. Lana: Đúng thế đấy Lana ạ! Em đã xuống Hà Nội chưa? Nhớ vụ thơ của PTN nhé!

    Trả lờiXóa
  9. Mai: Đúng là viết ngọng là không hiểu từ thật. Lúc đọc trong cái quotation thấy trương trình và chúng thưởng, anh suýt ngất. Hì!

    Trả lờiXóa
  10. Đàm Hà Phú: Đâu mà up mở, cái bố nói ngọng ở trong này là anh đấy mà!

    Trả lờiXóa
  11. Lu: Nói ngọng chán lắm ấy em ạ! Và đúng là nó ảnh hưởng quan trọng đến tâm trạng người đọc lắm. À, nhưng mà nick là Nu thì hay hơn Lu đấy. Nó liên quan đến trò chơi dân gian Nu na nu nống mà. Chắc em còn nhớ trò này, đúng không?

    Trả lờiXóa
  12. Hạnh Phúc Lang Thang: Càng có bằng cấp cao, càng phải sửa nói ngọng em ạ! Tiếng Anh thì anh không biết, nhưng anh nghĩ, cũng như tiếng Việt thôi, nói ngọng thì buồn cười lắm. VÀ nhiều trường hợp, nó làm cho người ta hiểu sai hoàn toàn câu nói, thậm chí ngược lại.

    Tiếng Việt có câu này: Khẩu hiệu chính xác là DÂN ĐÓI THÌ ĐẢNG LO, DÂN NO THÌ ĐẢNG MỪNG. Bây giờ, em thử đọc theo kiểu nói ngọng xem nó có thành khẩu hiệu phản tác dụng không nhé! Em thử đi!

    Trả lờiXóa
  13. Hạnh Phúc Lang Thanglúc 22:09 25 tháng 4, 2010

    Anh Thụy ác ghê, chọn ai thử không chọn, chọn ngay em tôi, mới chết. Lỡ có đọc to mà bị chuyện gì em mang anh ra chịu trách nhiệm. Ý tưởng là của anh đề ra, em chỉ có đọc.... ngọng thôi, nên không có tội.

    Trả lờiXóa
  14. Nói ngọng đã khó nghe, nhưng dù sao ở một góc độ nào đấy có thể thông cảm do đặc trưng ngôn ngữ vùng miền. Còn đọc những câu viết ngọng thì thật là...(nhăn mặt), giống như khi đang ăn một miếng cơm ngon mà lại cắn phải hạt sạn trong miệng vậy.

    Trả lờiXóa
  15. "Nhưng thực sự thì các bạn đã ai được nghe một lời bảo ban nhẹ nhàng như anh ngày trước đâu nhỉ ? Đấy là chưa kể, viết ngọng sửa khó hơn nói ngọng rất nhiều !"
    Bác tâm lý thiệt đó, có lẽ mấy bạn nhân viên của bác sẽ không vì thế mà giận bác đâu.
    Em có câu này đóng góp cùng bác, ngày xưa em luyện mãi mới hết ngọng n và l đấy bác Thụy ạ. "LÚA NẾP LÀ LÚA NẾP NON, LÚA LÊN LẤP LÓ LÒNG NÀNG LÂNG LÂNG."

    Trả lờiXóa
  16. hé hé... em coi văn là người. Ở ngoài, anh chỉ cần im lặng là giấu được mình. Nhưng ở đâu mà anh phải đặt bút viết là kiểu gì cũng lộ ra anh thuộc hạng nào. Nhưng chú ý, người sành điệu và tâm hồn phong phú sẽ có rất nhiều giọng văn, giọng viết khác nhau. Em có anh bạn cực giỏi viết, làm đến Phó tổng biên tập tờ báo lớn mà khi chat (việc nghiêm túc hẳn hoi) toàn dùng ngôn ngữ kỳ dị, nhiều khi làm em bùn cười lăn ra, khiến người trong phòng làm việc ai cũng tưởng em đang đang đú với lũ bạn. Há há ...

    Trả lờiXóa
  17. HoaLu: Đúng thế! Mình là người nói ngọng, sau đó sửa được, vì thế, hơn ai hết, mình biết nhược điểm của nó bạn ạ!

    Trả lờiXóa
  18. Titi: Sáng ra đọc cái com của em, đúng là vui suốt cả ngày. Hì!

    Trả lờiXóa
  19. Hạnh Phúc Lang Thang: Em cứ đọc đi mà. Anh chịu trách nhiệm cho. Hic!

    Trả lờiXóa
  20. HwoangNguyen: Câu của bạn còn khó hơn câu Lão Lang Lên Làng Liêm Lấy Lòng Lợn Luộc của tôi nhiều. Hì!

    Trả lờiXóa
  21. Hồi trước em nghĩ viết ngọng là không hiểu bản chất từ rồi em cũng nghĩ "hổng kiến thức". Nhưng từ khi tham gia vào thế giới mạng em gặp khá nhiều người rất rất uyên bác và viết nhầm từ (không phải l và n) mà tr và ch, s và x, d và r và gi. Những người này thường biết và sử dụng hơn một ngôn ngữ.
    Nên giờ em đối xử với mấy lỗi này cũng nhẹ nhàng hơn.

    Trả lờiXóa
  22. Vẫn biết việc nói ngọng do ảnh hưởng vùng miền, chứ không phải thước đo tri thức mà ngày xưa học thầy giáo nào mà lẫn lộn giữa n với l, không hiểu sao trong thâm tâm em vẫn cảm thấy giá trị của ông thầy đó giảm đi quá nửa.
    Con gái em thì không thể phát âm được dấu ngã, cứ ra dấu sắc hết, luyện mãi mà không được

    Trả lờiXóa
  23. NLVD: Trên blog thì anh nghĩ các bạn ấy biết, nhưng cố tình viết thế cho vui thôi em ạ! Bản thân anh đôi lúc cũng bị lôi cuốn viết vài từ kiểu ấy. Hic

    Trả lờiXóa
  24. Anh: Anh có một bạn, giờ đang làm ở VTV, thông thạo Anh ngữ hẳn hoi. Vậy mà vẫn nói ngọng l và n. Cái lạ là bạn ấy biết, nhưng cũng nhiều tuổi rồi nên ngại sửa thì phải. Không tốt lắm!

    Trả lờiXóa
  25. Xưa em có mấy bạn học trò. Có lần em mắng vui là, cứ nói ngọng thế này đến lúc ra trường ai dám nhận vào làm? Các bạn ấy than là: khổ lắm ạ, tụi em cũng có ý thức sửa, cũng sửa được chứ, nhưng mỗi lần Tết nhất hay nghỉ hè về quê chơi, là bị bà kon và cả bố mẹ mắng xéo là, đó, nó mới lên thành phố ít lâu mà đã sửa giọng rồi, nghe chả giống ai ở đây hết.

    Trả lờiXóa
  26. Gauxx: Hì! Đúng là có chuyện đó. Về quê ở mấy ngày, thế nào cũng bị lại. Anh ở vùng quê cả làng nói ngọng, anh biết mà!

    Trả lờiXóa
  27. NLVD: Ngọng viết đôi khi cũng còn do thói quen (đường mòn) nữa. Ví như chị bị lỗi truyền thống là bổ sung/ bổ xung. Sửa riết rồi nhưng cứ mỗi lần viết là tự đường mòn nó bật ra. Thật sự là ngay lúc này chị cũng rối luôn không biết bổ nào là đúng nữa :(

    Trả lờiXóa
  28. A Thụy: Không, nhầm thật sự ấy chứ không phải cố tình đâu ạ. cố tình lại là trường hợp khác.

    Lana: hồi em đi học và hồi sách báo còn ít thì đều viết là "bổ sung", bây giờ sách báo nhiều dùng cả "bổ xung" cũng coi như là đúng ạ.

    Gauxx: em về quê không thấy ai ý kiến gì về giọng nói nhưng ở quê khoảng nửa tháng ngược lên thành phố là các bạn kêu toáng ngay, rằng thì nói cái giọng gì đấy:D

    Trả lờiXóa
  29. bổ xung là đúng.
    Mình nghĩ là khi chat chit có thể dùng ngôn ngữ phong phú được,vì khi âý chỉ 2 ngườì cùng noí vui với nhau,và con chữ chỉ trôi qua 1 lúc,2 người cùng hiểu với nhau là làm như vậy cả 2 đều cảm thấy vui.Còn khi đã viết (blog,comment,...)nhiều người cùng đọc thì cũng nên nghiêm chỉnh trong câu chữ,không nên boṕ meó tiếng Việt,trừ khi tuổi teen nhí nhố thì tạm chấp nhận.Mà đ́úng là gặp lỗi chính tả như là đang ăn 1 miếng cơm ngon bị mắc hạt sạn thật á.

    Trả lờiXóa
  30. Em nghĩ nói ngọng sẽ sửa được nếu luyện tập đều đặn và có những người nói chuẩn sửa cho thường xuyên. Mọi người đang nghe phát thanh truyền hình nói chuẩn hay như vậy bây giờ nghe nói ngọnP

    Trả lờiXóa
  31. Scarlett: Tập là được chứ bạn! Bản thân tôi tập là hết đấy. Trước đây tôi nói ngọng suốt. Ngượng lắm!

    Trả lờiXóa