Thứ Hai, 12 tháng 4, 2010

XIN DÂU



Về quê ăn cưới đứa cháu trai con ông anh ruột, tôi mới có dịp tìm hiểu về thủ tục cưới xin ở quê tôi. Giữa một rừng các thủ tục khá rắc rối từ dạm ngõ, ăn hỏi, dẫn cưới, cưới, lễ gia tiên, tục mẹ chồng đi trốn… có một thủ tục rất nhỏ nhưng lại làm tôi ấn tượng nhất, cảm động nhất. Đó là tục xin dâu.


Nghe nói, tục này không chỉ ở quê tôi, mà còn nhiều vùng quê khác, cả ở Hà Nội, cho đến tận ngày nay, nhiều đám cưới vẫn duy trì. Tuy nhiên, lần đầu tiên, tôi được chứng kiến tận mắt từ đầu đến cuối thủ tục này.


Ở quê tôi,xin dâu này mang một dấu ấn thật đặc biệt, vì trong tất cả các thủ tục để có được cô con dâu, bà mẹ chồng luôn luôn phải tránh mặt, thậm chí phải đi trốn. Nhưng ở công đoạn này, bà bắt buộc phải xuất hiện.


Vào ngày tổ chức đám cưới, trước khi Nhà Trai sang Nhà Gái rước dâu tầm độ 1 tiếng, thủ tục xin dâu được thực hiện. Bà mẹ chồng lẳng lặng sang Nhà Gái với một cơi trẩu têm cánh phượng, đựng trong một cái tráp màu đỏ, nhỏ và chuyên dùng cho tục xin dâu. Thông thường như bây giờ, một đứa cháu trai nào đó sẽ đèo bà bằng xe máy. Không phô trương, không ầm ĩ cả.


Nghi thức chào đón bên Nhà Gái cũng đơn giản, nhưng thật đầm ấm và trang trọng. Thành phần tiếp bắt buộc phải có mẹ cô dâu. Ngoài ra, thường có dì ruột, nếu có, và bà ngoại, bà nội của cô dâu.


Họ nói gì với nhau vào thời điểm đó?


Bà mẹ chồng tương lại khiêm tốn: “Như các cụ bên nhà tôi đã sang có lời thưa chuyện với các cụ, các bà, các cô các bác bên này và đã được các cụ, các bà, các cô các bác đồng ý, hôm nay, được ngày, gia đình nhà tôi tổ chức buổi liên hoan họ mạc, bố cáo tổ tiên hai con trẻ được tác thành vợ chồng. Lát nữa, các cụ bên nhà tôi sẽ sang đây xin cháu. Tôi có cơi trầu đi trước, xin các cụ, các bà, các cô các bác cho gia đình tôi được đón cháu về làm dâu con trong nhà. Xin các cụ, các bà, các cô các bác yên lòng, tôi xin coi cháu như con cái trong nhà, chăm sóc, dạy dỗ và thương yêu cháu như con mình đẻ ra”.


Bà ngoại cô dâu tiếp lời: “Bà đã có lời thế, chúng tôi xin cám ơn bà. Gia đình chúng tôi thật vinh hạnh khi cháu được về làm dâu con bên ấy. Cháu còn nhỏ dại. Thôi thì con dại cái mang. Lỡ có điều gì thất thố với ông bà, họ mạc bên ấy, kể như lỗi tại gia đình chúng tôi bên này chưa bảo ban cháu được tường tận ngọn ngành. Mong bà hết lòng dạy dỗ cháu theo lời của ông bà ta thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”.


Một vài câu đưa đẩy, cám ơn. Sau Chén trà nhạt, miếng trầu cay. Bà mẹ chồng lại lẳng lặng ra về. Và chỉ khi bà về đến nhà, đoàn nhà trai với đầy đủ các cụ tai to mặt lớn, “com-lê com-táo” mới tiền hô hậu ủng, ầm ĩ cả làng xóm lên đường đi rước dâu. Thủ tục xin dâu chưa xong, chưa ai được làm gì hết!


Có mặt trong lần xin dâu này, tôi cứ nghĩ miên man về chị dâu tôi, về mẹ tôi và về biết bao các bà mẹ khác. Những người phụ nữ Việt Nam luôn đứng đằng sau tất cả các sự kiện trọng đại nhưng có mấy ai đứng ra kể lể công lao của mình.


Xin dâu, một thủ tục rất nhỏ trong cả tục lệ cưới xin khá phức tạp ở quê tôi và có thể, cũng là thủ tục của phần lớn các làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ khác, thêm một lần cho ta thêm hiểu, thêm yêu nhưng người phụ nữ Việt Nam suốt đời tần tảo, chịu thương chiu khó vì gia đình, vì làng quê và vì cả đất nước này nữa.




34 nhận xét:

  1. “Như các cụ bên nhà tôi đã sang có lời thưa chuyện với các cụ, các bà, các cô các bác bên này và đã được các cụ, các bà, các cô các bác đồng ý, hôm nay, được ngày, gia đình nhà tôi tổ chức buổi liên hoan họ mạc, bố cáo tổ tiên hai con trẻ được tác thành vợ chồng. Lát nữa, các cụ bên nhà tôi sẽ sang đây xin cháu. Tôi có cơi trầu đi trước, xin các cụ, các bà, các cô các bác cho gia đình tôi được đón cháu về làm dâu con trong nhà. Xin các cụ, các bà, các cô các bác yên lòng, tôi xin coi cháu như con cái trong nhà, chăm sóc, dạy dỗ và thương yêu cháu như con mình đẻ ra”.

    Câu này giống văn của bác Thụy. Chắc lại là người chấp bút?

    Trả lờiXóa
  2. Sắp tới có tục xin rể nữa bác Thụy ạ, rể quý thì người ta phải đi xin chứ.:)

    Trả lờiXóa
  3. Hạnh Phúc Lang Thanglúc 23:15 12 tháng 4, 2010

    Không biết tục này có nên áp dụng ở thành phố không vậy anh Thụy? Em đang tập tành làm Wedding Planner cho người toa, em tham khảo trước có cái chi lạ lạ mà không phiền phức tốn kém là em đưa vô hết, cho ấn tượng.

    Trả lờiXóa
  4. @Anh Hoàng: Không phải văn của bác Thụy đâu anh. Mà hầu hết các vụ xin dâu ở miền Bắc đều rất là "lễ nghi" kiểu đó :-). Em đã tham gia nhiều vụ rồi mà, nghe riết rồi thành quen. Có khi đám nào cũng nói giống đám nào í :P

    Trả lờiXóa
  5. Hôm nào rảnh em sẽ kể về đám cưới cô đồng nghiệp yêu quí của em bên này... em có quên, anh cứ vô tư hỏi tội nhé:)

    Trả lờiXóa
  6. Tục "xin dâu" này đọc mà thương các bà mẹ quá đi mất. Những người mẹ lúc nào cũng chỉ âm thầm thế thôi. Chẳng khi nào chịu phô trương hay kể công ngọn ngành gì cho cam nhỉ. Trong khi, công lao nuôi dưỡng thì mấy mẹ gánh trọn đấy chứ.

    Cám ơn bác Thụy đã cho DQ biết thêm một phong tục khác ở quê mình nhá. Đọc những câu nói lúc bà mẹ chồng đi "xin dâu" làm DQ nhớ lại lúc chuẩn bị "theo chàng về dinh" quá. Nhưng thay vì "mẹ cô dâu" nói thì toàn bố DQ nói không hà. Lúc đấy, mẹ DQ nghèn nghẹn, cứ sụt sùi mãi, có nói được câu nào đâu. Thương thế đấy.

    Trả lờiXóa
  7. Nói về văn, thì trong những dịp như thế này các cụ là đỉnh của đỉnh, hi hi.

    Trả lờiXóa
  8. HwoangNguyen: Thì đương nhiên mình là người chấp bút rồi mà!

    Trả lờiXóa
  9. MC3: Hà hà! Xin rể thì hóa ra con gái mình ế hả em? Các cụ chẳng không chịu vụ này đâu!

    Trả lờiXóa
  10. không fải bà mẹ nào cũng nói được những câu lễ nghĩa ấy. Bà mẹ chồng cũ của tôi sau 30 phút ngồi chơi nói chuyện giá cả ở chợ đang lên thì đứng lên về, không có một lời xin dâu

    Trả lờiXóa
  11. Hạnh Phúc Lang Thang: Có chứ bạn! Ở Hà Nội, tôi biết là nhiều đám cưới vẫn duy trì tục lệ này mà!

    Trả lờiXóa
  12. Mai: Em kể đi! Anh chưa biết một đám cưới của người Việt ở bên ấy tổ chức như thế nào đâu!

    Trả lờiXóa
  13. Dã Quỳ: Thì các bà mẹ lúc ấy thường ngậm ngùi thương con gái. Thông thường, bà cô, bà dì ruột của cô dâu sẽ nói chuyện bạn ạ!

    Trả lờiXóa
  14. NLVD: Em nói đúng, mình tiếng là ăn nói cũng được, nhưng vào những lúc nhà có đám thứ thế này, cũng mất điện luôn em ạ!

    Trả lờiXóa
  15. Nặc Danh: Thật hả bạn? Đi xin dâu thì nói gì thì nói, rốt cuộc phải nói được một lời xin dâu chứ! Đúng không bạn?

    Trả lờiXóa
  16. "..Xin các cụ, các bà, các cô các bác yên lòng, tôi xin coi cháu như con cái trong nhà, chăm sóc, dạy dỗ và thương yêu cháu như con mình đẻ ra”. Em thích câu nói này quá. Giá như nó đừng chỉ là câu khách sáo, giá như mọi bà mẹ chồng đều nói thật lòng câu này thì hay biết mấy.

    Trả lờiXóa
  17. Đám cưới ở quê rước dâu đi bộ hay xe ngựa thế anh Thụy?

    Trả lờiXóa
  18. Bài này của anh làm em nhớ cảnh hơn chục năm trước mẹ chồng tương lai chắp tay sau lưng săm soi xem mình làm ăn thế nào, liệu có xứng với con giai bà không... Hãi quá !

    Trả lờiXóa
  19. Đàm Hà Phú: Lần này thì anh ở trong cuộc, anh chứng kiến và anh nghĩ, bà mẹ chồng (chị dâu anh) đã nói rất thật lòng.

    Trả lờiXóa
  20. Lu: Đi ô-tô chứ em. Quê bây giờ cũng xịn lắm đó nha!

    Trả lờiXóa
  21. ycine: Hì hì! Giờ thì hết săm xoi rồi, đúng không em?

    Trả lờiXóa
  22. bác lại có xã luận đề cao phụ nữ roài:-P

    Trả lờiXóa
  23. Trong Nam va Trung cung co le nay . Co dieu la ca phai doan keo toi nha co dau roi ong chu hon moi di cung mot nguoi, om khay trau ruou vao nha xin duoc ruoc dau.

    Trả lờiXóa
  24. Anh lai ca ngoi kheo chi em phu nu roi! So ba me chong noi nhung cau nhu trong bai cua anh (ma cau nay nghi la cua anh viet lam:-) & noi that long hiem lam, kho tim lam

    Trả lờiXóa
  25. Những phong tục truyền thống đẹp thì rất đáng giữ và tự hào, nhưng Lana đồng ý với Phú comment phía trên: Những câu dặn dò, nghi lễ qua lại khi xin dâu mà được người nói tâm niệm chứ không khách sáo thì mới ý nghĩa, ngược lại sẽ chỉ là nói thuộc lòng thôi, chán lắm.
    Ngay cả là thật lòng thì Lana cũng không thích câu này: "Mong bà hết lòng dạy dỗ cháu theo lời của ông bà ta thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Lana sau này khi ai đến xin con gái Lana về làm dâu, Lana mong gia đình họ yêu thương con gái Lana, chỉ bảo tận tình bằng yêu thương ngọt bùi, chứ không phải 'yêu cho roi cho vọt'. bây giờ khi con lớn chính mình là cha mẹ đẻ cũng chỉ phân tích, căn dặn con mình chứ đâu có răn dạy gò ép khuôn phép như ngày xưa đâu?

    Trả lờiXóa
  26. Hihihi. Bác Thụy viết bài này thể hiện rất rõ nét riêng của bác mà em đã từng thấy: YÊU PHỤ NỮ HẾT MÌNH. Bác chia sẻ sang cho Gauxx một chút đi không lại bảo bác "Đề cao phụ nữ" quá. Em thì cảm nhận được việc các bà mẹ không chỉ thông qua cái lễ xin dâu này đâu anh, trước và sau đám cưới nếu không có các bà mẹ thì sẽ khó khăn vô vàn đấy. KÍNH BÁC VỚI NHỮNG QUAN ĐIỂM RẤT "BÁC THỤY"

    Trả lờiXóa
  27. Gauxx: Em chỉ được cái nói đúng thôi!

    Trả lờiXóa
  28. luongduyen: Vậy hả bạn? Ở quê tôi thì chỉ có duy nhất bà mẹ chồng đi thôi. Và thường là có ai đó chở bằng xe máy. Rất yên lặng!

    Trả lờiXóa
  29. giang: Bây giờ, cũng khác ngày xưa rồi mà bạn! Các bà mẹ cũng nói thật mà!

    Trả lờiXóa
  30. Lana: Hì, nghe câu thương cho roi cho vọt là sợ rùi, đúng không Lana. Chẳng qua là nói câu nói của các cụ ngày xưa thôi. Giờ có ai dùng vũ lực với con cái nữa đâu em!

    Trả lờiXóa
  31. Nặc Danh: Cám ơn bạn! Yêu phụ nữ hết mình là trách nhiệm cao cả và cũng là quyền lợi của cánh đàn ông mà!

    Trả lờiXóa
  32. @anh Thụy: Hôm nay em tìm lại đc bài viêt ngày cô bạn đồng nghiệp cưới, ko phải đám cưới Việt đâu, bao giờ con trai em cưới, em sẽ kể em đi đón dâu thế nào sau vậy ;)
    Còn giờ... kể chuyện cưới Tây, kể chuyện Tây "dạy" nhau nhé, thấy nó cũng "thành bài" hết rồi, nhưng thôi, ấn tượng của em, em giữ và em kể cả nhà cùng nghe :) Dài dòng ráng chịu :)

    Cô ban đồng nghiệp trẻ trung, mà lịch lãm hơn tuổi, người thay thế mình những dịp ốm nghỉ, vừa cưới cách đây một tuần. Đấy là đám cưới đầu tiên không làm ở nhà thờ mà cũng chẳng ở ủy ban mà mình "được" dự. Ấn tượng.
    Nơi đó là một trong những vườn nho cổ nhất mà Praha còn giữ lại được - từ thế kỷ 14 - nay vẫn còn hầm rượu vang, nằm giữa một công viên kiểu Anh. Vườn nho nằm trên sườn đồi, nay chỉ là một khoảng đất nho nhỏ xinh xinh, trên đỉnh đồi là một lầu hóng mát sức chứa khoảng 30 người. Lầu bằng gỗ với những hàng cột cao, thanh mảnh, nhẹ nhàng ... mái nhọn, dưới mái là một lớp riềm cũng bằng gỗ ,chạm khắc trông như một dải đăngten (dentelle) mềm mại. Thành phố trải rộng phía xa. Đây chính là nơi lễ cưới tiến hành.
    Đơn giản, mộc mạc, chỉ 30phút cô đọng.
    Người ta nói đến sự tôn trọng lẫn nhau, sự đồng cảm và chỗ dựa cho nhau. Một câu làm mình nhớ mãi ... "cuộc sống chung đã bắt đâu như một tờ giấy trắng, mà chỉ có hai bạn là người sẽ đặt bút cùng viết. Mong rằng sau này, khi đọc lại những dòng chữ ấy, các bạn vẫn có thể nhìn vào mắt nhau đầy ấm áp và tin cậy như ngày hôm nay"

    Lạy Trời cho bạn mình "ấm áp và tin cậy" dài lâu...

    Trả lờiXóa
  33. Mai: Hay quá! Và thật là lãng mạn. Thế mới là đám cưới chứ! Nghe em nói, đúng là các bạn ấy đã chọn được một nơi ý nghĩa vô cùng cho đám cưới của mình. Một vườn nho cổ. Làm sao mà Praha còn có thể giữ lại được nó sau bao nhiêu chiến tranh và biến động nhỉ? Quả là quý giá.

    Và làm thế nào để các bạn trẻ Việt Nam nhà mình không phải chịu những đám cưới hàng trăm mâm cỗ, ngót cả ngàn thực khách... mà nhiều người trong số họ đâu có biết cô dâu chú rể là ai đâu. Hic!

    Trả lờiXóa
  34. Phải có người bắt đầu anh ạ, người đó có thể là ông bố bà mẹ tôn trọng khuyến khích con cái tự đứng trên đôi chân của mình, tự chịu trách nhiêm việc mình làm, không theo đà, theo mốt, người đó có thể là đôi trẻ:) Cái gì cũng có giá của nó, đám cưới đơn giản, quà cưới cũng không đo bằng đơn vị "đồng cân" đâu anh:)
    À, Praha hầu như không bị phá hại trong chiến tranh vì theo hiệp đinh Munich (?) Tiệp bị khối đồng minh cắt toàn phần đất biên giới dâng cho Đức, mà đấy chính là mạng hệ thống boongke phòng thủ rất vững và rất quan trọng của Tiệp nên sau đó đầu hàng Đức ngay đầu cuộc chiến.

    Em biết sơ sơ có vậy nên chỉ kể đc có vậy thôi nhé:)

    Trả lờiXóa