Thứ Tư, 19 tháng 5, 2010

BÁC HOÀN



Hồi còn sống ở quê, hàng xóm nhà tôi có bác Hoàn. Nhà bác nghèo lắm. Làng Me Cả của tôi vốn là một làng quê phong kiến điển hình của những làng quê Bắc Bộ thời trước. Hầu hết là nông dân nghèo. Nhưng có lẽ, nhà bác Hoàn là một trong những nhà nghèo nhất của làng tôi ngày ấy.

Đã nghèo, bác Hoàn lại thêm phần cơ cực đường con cái. Ở cái làng quê phong kiến như thế mà không có con trai thì khổ lắm. Bác Hoàn lại chỉ có 2 mụn con gái. Lẽ thông thường, người ta sẽ lấy thêm bà hai để quyết cho được một thằng con trai nối dõi, để cũng có phần chiếu trên, chiếu dưới mỗi khi ra đình làng việc làng, việc họ.

Khổ nỗi, hoàn cảnh bác thế, lấy bà cả còn chật vật, nói chi đến bà hai. Thế là nhiều năm liền, bác sống trong cảnh vừa nghèo, vừa thất thế trong mọi mối quan hệ cả làm ăn và sinh sống. Mối mai bà nào người ta cũng ái ngại. Bác đã nhiều tuổi, lại nghèo xơ xác, thật khó mà tìm được ai muốn chung lưng đấu cật

Nghèo thế, nhưng bác Hoàn lại rất hay chữ. Bác học chữ từ bao giờ, tôi chẳng biết. Bác rất rành Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Tây Du Ký, Chiến Quốc Sách, Chung Vô Diệm, Bồng Lai Hiệp Khách… và một lô những truyện Tàu khác. Bác có thể nói về Truyện Kiều hết cả buổi sáng. Mà bác nói hay lắm, chúng tôi đứa nào cũng muốn nghe. Sau này, tôi thích Truyện Kiều, biết thưởng thức và hiểu biết ít nhiều về kiệt tác này của Nguyễn Du, cũng có một phần lớn là nhờ bác.

Bố tôi quanh năm theo đội dân công chiến dịch của xã, đi khắp các công trường trọng điểm của tỉnh. Anh em tôi lớn lên và trường thành là nhờ vào mẹ. Bác Hoàn quý nhà tôi lắm. Sau này tôi nghĩ, có thể do mẹ tôi hiền lành và đức độ. Có thể do bác Hoàn không có con trai, mà nhà tôi thì lại nhiều quá. Cũng có thể do cả làng chẳng ai màng chuyện cho con cái học hành, mà mẹ tôi thì lại quyết chí nuôi anh em chúng tôi ăn học.

Trong số anh em tôi, bác quý tôi hơn cả. Dưới con mắt của bác, tôi là người hay chữ nhất nhà. Vào thời điểm tôi thi đậu vào đại học, cả xã tôi chỉ có mình tôi thôi. Đêm trước ngày tôi ra Hà nội nhập trường, bà con, họ hàng đến chơi còn đông hơn cả đám cưới. Bác Hoàn nói với tôi: “Vậy là cậu thành tài ở chốn kinh kỳ rồi. Cả làng mình, từ trước tới giờ, chỉ có cụ Trạng (ý nói Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh) là thành đạt ở đất kinh kỳ thôi. Bà ở quê thế là được nhờ cậu nhiều lắm đấy nhé!”. Tôi nghe xong, ngượng lắm! Nhưng quả thực, cũng thấy thinh thích.

Kỷ niệm về bác Hoàn thì tôi nhớ nhiều. Nhưng ấn tượng nhất là 2 sự kiện thôi. Đấy là sự kiện bác lấy bác hai. Sự kiện này lâu rồi. Và sự kiện về khoán 10. Sự kiện này thì đúng vào thời kỳ tôi đang học ở Hà Nội.

Việc bác Hoàn lấy bác hai, tôi nhớ nhất là vấn đề tuổi tác của hai bác. Bây giờ, người ta đã quen với việc ông chồng già và cô vợ trẻ. Nhưng trẻ quá thì quả thực vẫn còn nhiều lời xầm xì. Chênh lệch nhiều quá cũng làm cho hình ảnh vợ chồng không được đẹp lắm. Nhưng dù gì thì cũng dễ khắc phục. Cùng lắm thì mặc kệ thiên hạ, thế là xong. Nhưng bác Hoàn thì lại khác quá, lạ quá! Khi bác lấy bác hai, cũng là do mai mối thôi, bác chẳng những hơn bác hai quá nhiều tuổi, mà còn hơn luôn cả ông bố vợ tương lai mấy tuổi nữa cơ. Băn khoăn nhất là hôm đi ăn hỏi, không biết ăn nói, cư xử thế nào cho thuận.

Buổi tối bác sang nhà tôi nhờ mẹ tôi mách nước. Bác hỏi: “Bác ạ! Hoàn cảnh tôi bây giờ nó thế. Gặp ông bên nhà ấy bây giờ, thật ra là lúng túng, ngượng ngùng cho cả tôi và ông ấy. Làm thế nào đây hả bác?”. Mẹ tôi bảo: “Thôi thì bác cứ gọi là ông và xưng con. Coi như mình nói hộ con mình đi. Và thuận nhất là bác nói ít thôi. Chỉ cần xin cưới một câu thôi. Còn lại, để bà mối người ta lo!”.

Đám cưới rồi cũng được tổ chức tốt đẹp. Vài mâm cơm đạm bạc mời họ hàng ít ít và mấy nhà hàng xóm thôi. Sau này, bác Hoàn có một cậu con trai và thêm mụn con gái nữa. Bác đã già và mất lâu rồi. Nhưng tôi chắc bác đã rất vui và hạnh phúc vì có con trai. Như vậy, bác có tất cả là 4 người con. Hai cô con gái đầu với bác cả đã lấy chồng và yên phận gia đình. Con trai bác vẫn sống ở quê. Cuộc sống bây giờ đã dễ chịu hơn ngày trước rất nhiều. Làng Me Cả của tôi, dù là nhà nghèo nhất thì cũng không bị đói ăn như thế hệ chúng tôi ngày trước nữa.

Kỷ niệm thứ hai với bác Hoàn là câu chuyện liên quan đến chính sách khoán 10 trong nông nghiệp. Câu chuyện này thì bác làm tôi ngỡ ngàng thực sự. Khi ấy, tôi đang học ở Đại học Bách khoa Hà nội. Cứ mỗi lần Chủ nhật về quê, bác Hoàn lại chạy sang nói chuyện. Đại khái là bác quý và phục tôi lắm. Bác nói tôi là Cậu Cử (cử nhân ấy) và là người thành phố, học cao hiểu rộng. Bác hay hỏi tôi, mà hầu hết những điều bác hỏi, nói thật là tôi cũng đâu có biết. Mà có biết thì cũng do là đọc sách, báo chứ trong trường, các thày cô đâu có giảng về những điều ấy.

Một lần tôi về quê, bác chạy sang hỏi chuyện. Toàn những chuyện đời sống, đối nhân xử thế, những chuyện học hành của tôi thôi. Nhưng rồi bỗng dưng bác hỏi: “Cậu có biết ông nào, bà nào làm ra cái khoán 10 này không?”. Khoán 10 thì đương nhiên là tôi biết. Khoán 10, rồi khoán 100 gì đó nữa. Nhờ có nó mà nông thôn và nông dân được đổi đời. Mà cũng nhờ có nó, sau này, từ một nước nông nghiệp thiếu ăn trầm trọng, cả năm đi xin viện trợ, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo thứ nhất, thứ nhì thế giới.

Nhưng thôi, đấy là việc của sau này. Còn lúc đó, tôi ngơ ngác hỏi lại:
- Bác hỏi cháu cái đấy để làm gì? Theo cháu được biết thì đấy là chỉ thị của Bộ Chính trị về khoán trong nông nghiệp. Chính phủ triền khai thành công thôi. Bác có muốn biết Bộ Chính trị là gì không ạ?
- Không cậu ạ! Tôi biết rồi, đấy là một tập thể các ông lãnh đạo cao nhất nước mình, đúng không cậu?
- Cũng không hẳn đã là thế, nhưng bác hiểu thế là cũng đúng rồi đấy ạ! Thế đã được chưa hả bác?
- Chưa cậu ạ! Ý tôi là dù có là một tập thể quyết định như thế thì cái ý nghĩ đầu tiên cũng phải từ một ai đó, một người nào đó chứ cậu?

À, hóa ra là bác muốn biết một cá nhân ai đó đã nghĩ ra cái chủ trương này. Tôi biết, nhưng không dám chắc nên hỏi lại:
- Cháu chưa biết chính xác là ai? Nhưng cháu sẽ hỏi. Mà bác muốn biết để làm gì ạ?
- Tôi không định làm gì cả! Nhưng tôi nghĩ cậu học cao hiểu rộng, cậu nên hỏi xem người đó là ai. Nếu biết được, cậu đề nghị Nhà nước mình công bố cho toàn dân, nhất là nông dân các vùng thôn quê được biết. Cậu biết không, không có cái anh khoán 10 đấy, đói lắm cậu ạ! Đói to nữa ấy. Rồi chết đói lúc nào chẳng biết ấy. Vì thế, tôi nghĩ, các vùng thôn quê, nông dân phải dựng đền thờ, miếu thờ ông ấy đấy cậu ạ! Như ngày xưa, các cụ vẫn làm với những người có công ấy!
- Nhưng bác ơi, bây giờ Nhà nước lãnh đạo tập thể, trí tuệ tập thể, công lao tập thể rồi bác ạ! Chẳng ai tìm ra một cá nhân làm gì đâu.
- Nói thế không được! Cậu nhớ Tam Quốc Chí tôi với cậu vẫn xem đi xem lại không? Trận Uyển Thành phải nhắc đến Dương Tú. Hỏa thiêu Xích Bích thì không thể quên Chu Du. Hoa Dung tiểu lộ ắt phải nhớ Quan Vân Trường. Cắt râu quẳng áo ở Đồng Quan, cướp thuyền tránh tên ở Vị Thủy, làm sao mà quên anh Tào Tháo thất trận được chứ. Đúng không cậu? Gì thì gì, giữa muôn triệu người, công tội của một người vẫn là điều quan trọng cậu ạ!

Trời đất! Bác Hoàn làm tôi tròn mắt ngạc nhiên. Đúng quá rồi! Vai trò của một cá nhân là quan trọng biết chừng nào. Nếu cái gì cũng tập thể, liệu trách nhiệm cá nhân ai chịu đây? Tôi mang tiếng là học cao hiểu rộng mà lại chẳng hiểu được cái chân lý tưởng chừng như đơn giản ấy. Chợt nghĩ, dường như bài học này không chỉ có ích với riêng tôi.




30 nhận xét:

  1. Phục cái suy nghĩ chân chất của bác. Đúng là mình quen rồi, cái gì cũng vơ vào tập thể, công tội chẵng rõ ràng. Bác Hoàn nói thế là chí phải. Nhưng chỉ là cái công thôi, bác ấy mà biết cái tội thì....

    Trả lờiXóa
  2. Em có được khen anh T không?
    Anh T viết hay quá!

    Trả lờiXóa
  3. Bác Hoàn, người nông dân cả năm quanh quẩn trong lũy tre mà còn bit suy nghĩ như vậy. Thế mà các bác lãnh đạo nhà mình thì...hic...

    Có lẽ, tại các bác ấy không đọc Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Tây Du Ký, Chiến Quốc Sách như bác Hoàn làng anh ròi :-D

    Trả lờiXóa
  4. Bác T mặc áo chim cò thành phố mà kể chuyện người quê vẫn hay nhỉ.

    Mà bác Hoàn phân tích cái vụ công tội của cá nhân đâu ra đấy thế mà vụ lấy có con trai thì lại không thoát ra khỏi lũy tre làng nhỉ.

    Trả lờiXóa
  5. Ôi giá mà bác còn sống, ở quê giờ không thiếu ăn và tivi nhà nào cũng có, cũng xem, thì bác sẽ không hỏi thế nữa. Bác sẽ chỉ ngồi chõng tre mà thở hắt ra : "Ở mình nó thế", anh nhỉ, hehe.

    Công nhận anh Thụy viết chuyện quê hay! Tiếp tục phát huy anh ơi :D

    Trả lờiXóa
  6. Câu chuyện người quê chân chất thật hay.
    Buồn cười tác giả trả lời với bác Hoàn rất "bài bản", kiểu rất chi là được học tập dưới mái trường...Hồi đó tui cũng biết trả lời vậy.

    Trả lờiXóa
  7. Đàm Hà Phú: Em làm anh buồn cười quá! Đúng là những người nông dân thì chỉ biết cái công, đâu có biết đến cái tội. Hì!

    Trả lờiXóa
  8. NLVD: Ngượng quá! Ngượng quá! Nhưng mà được khen cũng thinh thích. Cám ơn em nhé!

    Trả lờiXóa
  9. @A Thụy:
    Đọc tít, lại cứ tưởng anh viết về ông sếp cũ của chúng ta???
    Thế bác ấy cuối cùng có biết ai đẻ ra Khoán 10 không anh?

    Trả lờiXóa
  10. Titi: Hì, lúc bác ấy nói việc lập miếu thờ, anh thực sự cảm động. Không có bác Kim Ngọc xé rào khoán 10, chắc nông dân gay go lắm!

    Trả lờiXóa
  11. like2chat: Hà hà! Thì anh là con của một người nông dân mà. Kể chuyện về nhà quê có thể chưa hay, nhưng chắc là kể phải đúng chứ.

    Ừ nhỉ, vụ lấy bác hai để có con trai ấy. Nhưng quê anh phong kiến lắm e ạ! Khổ thế đấy!

    Trả lờiXóa
  12. Dứa: Quê anh giờ khá lắm rồi em ạ! Không còn như ngày xưa nữa. Duy chỉ có quan niệm con trai vẫn chưa thay đổi được là mấy!

    Trả lờiXóa
  13. Đỗ: Thế là bác rất nhớ đấy. Hồi ấy, học sinh toàn trả lời thế mà.

    Trả lờiXóa
  14. VMC: Anh nhớ em đã hỏi vụ này rồi mà. Hì, Sếp cũ của anh em mình thì bác ấy dân thành thị thứ thiệt rồi em ơi!

    Bác ấy biết, nhưng cũng như không thôi em ạ! Thời ấy, bác Kim Ngọc đâu có được thừa nhận công khai. Biết tên bác Kim Ngọc, chứ bác Hoàn thì làm sao biết được cụ Kim Ngọc là ai đâu.

    À, VTV đang làm phim về bác Kim Ngọc đấy. Em biết tin này, đúng không? Tên phim là Bí thư Tỉnh ủy.

    Trả lờiXóa
  15. @Anh
    ủa, thế ra anh Thụy và anh VMC từng là đồng nghiệp chung cơ quan với nhau àh?

    Trả lờiXóa
  16. @A Thụy:
    Em có nghe nói về phim Bí thư Tỉnh ủy, nhưng không thích diễn viên đóng vai ông Kim Ngọc. Dũng Nhi quá đẹp, quá thành thị và trí thức để đóng vai đó.

    @HPLT:
    Đồng nghiệp từ 18 năm trước em ạ. Thân nhau từ đó tới giờ.

    Trả lờiXóa
  17. @ hai anh:
    ôi hèn chi,hầu như offline kỳ nào cũng thấy hai anh góp mặt chung như hình với bóng vậy đó.

    Trả lờiXóa
  18. Chuyện nào của anh T. về quê em cũng thích (hình như câu này đã nói ở một entry quê nào đó rồi).
    em viết nốt cái còm đầu của Phú: bác cứ hỏi cho ra cái công quan trọng của một người thì được, chứ tội quan trọng, người ta bảo của tập thể bác cứ hỏi cho ra cá nhân... thì gay cho bác lắm.
    :(
    :)

    Trả lờiXóa
  19. Bác ấy chân chất mà sâu sắc!
    Em cứ nghĩ anh nhắc đến "công" để người đọc tự luận ra "tội" kia đấy :)

    Trả lờiXóa
  20. Lớp sóng sau đè lớp sóng trước, bác Thụy giỏi hơn bác Hoàn là đương nhiên rồi, chỉ có điều thời thế giờ tiềm ẩn nguy cơ hơn xưa nhiều lắm! :)))

    Trả lờiXóa
  21. hị hị...bác Hoàn của anh ko bảnh bằng ông bác của em. Ông bác em cũng lấy hai đời vợ, bà vợ đầu tiên thì nhỏ hơn mẹ của bác em 2 tuổi, coi như lớn hơn bác em gần 20 tuổi. Ở mí nhau được 10 năm thì bác em cưới bà hai. Lí do, bà cả ko có con. Bà hai thì lại nhỏ hơn bác em gần 20 tuổi. Coi như bác em là sướng nhất trên đời.

    Trả lờiXóa
  22. Lana: Chuyện nhà quê rất hay. Anh mới viết được ít lắm!

    Trả lờiXóa
  23. Mai: Luận tội cái vụ khoán 10 này thì to tát lắm. Sợ lắm! Hì!

    Trả lờiXóa
  24. Chu Nam Cuong: Bác nhận xét thế thật là sâu sắc!

    Trả lờiXóa
  25. Lu: Chuyện của bác em thật kỳ lạ. Vậy là hai bà thua nhau tới 40 tuổi, đúng không?

    Trả lờiXóa
  26. anh Thụy : đúng rồi, bà đầu thì ko có đám cưới, vì bác em bị phản đối lấy vợ quá già. Bà hai thì lại làm đám cưới tưng bừng vì lấy vợ trẻ ko làm cho người ta xì xào bằng lấy vợ già. Nhưng bác em hay lắm, ngày bà vợ lớn tuổi còn sống thì ông bác em và bà vợ sau vẫn tới thăm nom và chu cấp tiền bạc đầy đủ. Coi như còn cái nghĩa cho tới ngày bà ấy qua đời.

    Trả lờiXóa
  27. Có phải ông bác dạy ngoại ngữ chơi đờn guitar không Lu? Lu có những chuyện không có trong chính sử nhể.

    Trả lờiXóa
  28. Lu: Bác này quá hay. Đáng khâm phục, khâm phục!

    Trả lờiXóa
  29. NLVD: Bác nào mà nhiều tài lẻ thế em?

    Trả lờiXóa
  30. NLVD : đúng rồi, ông ấy đấy! bi giờ có hai đứa con 1 trai 1 gái. Đứa con gái lớn đang du học tại Mỹ, tưởng rằng đời nầy ông ấy ko có con nối dòng rồi ấy chứ.

    Anh Thụy : Ông ấy là giáo sư mở trung tâm dạy ngoại ngữ trong Sì Gòng, đẹp trai kinh khủng, hát nhạc Trịnh hay vật vã, gái mê và chết như rạ. ;))

    Trả lờiXóa