Thứ Hai, 24 tháng 5, 2010

BỘ PHIM XEM GIỮA CHỪNG



Vẫn bộ phim đấy. Phim có lẽ đã cũ lẳm rồi. Nhưng lần nào bật TV lên, anh cũng chỉ được xem giữa chừng. Lúc thì trên Star Movie, lúc thì trên HBO, Cinemax, có lúc lại đang chiếu trên VTC1. Và lần nào, anh cũng bị cuốn hút bởi sự xúc động dâng trào.

Phim kể về một cậu bé bị lạc mất gia đình. Cậu chỉ nhớ mang máng là có bố, mẹ và các anh trai. Nhà nghèo quá, bố mẹ vất vả không cáng đáng nổi. Sau nhiều biến động của cuộc sống, cậu đã bị gửi vào một trại trẻ mồ côi, không nơi nương tựa từ những năm còn bé tí. Trong suốt thời gian lớn lên ở trại trẻ, cậu bé luôn khắc khoải tìm lại cha mẹ mình. Bối cảnh của phim vào lúc cậu 11, 12 tuổi gì đó.

Một biến cố xảy ra. Cậu luôn thể trốn khỏi trại trẻ để lên đường đi tìm cha mẹ. Hành trang trên tay cậu chỉ có tấm khăn mà mẹ cậu đã dành để quấn cho cậu lúc phải gửi cậu lại trại. Cậu đi như người mất phương hướng giữa những dòng người đông đúc và đầy cạm bẫy hiểm ác.

May thay, một ngày kia, trong lúc đói ăn và thiếu mặc, một người đàn bà đã nhiều tuổi, vốn là người có tâm làm từ thiện gặp cậu. Hiểu được mục đích của cậu, bà đưa cậu về sống với mình, tìm mọi cách để có được những thông tin rời rạc nhất có thể có về gia đình cậu nhiều năm về trước. Công việc thật khó khăn. Nhiều lúc tưởng như rơi vào ngõ cụt.

Cuộc sống cứ thế trôi đi. Hai bà cháu, hai tâm hồn cô đơn và lạc lõng gặp nhau, tự nhiên gắn bó với nhau như ruột thịt. Đã có lúc, bà nghĩ và bỗng thấy cảm giác sờ sợ nếu một ngày nào đó, cậu bé tìm được gia đình. Lúc đó, bà sẽ lại cô đơn, sẽ lại lạc lõng… Cậu bé cũng vậy, cậu cũng sợ mất bà.

Rồi một ngày…!

Các thông tin được bà sắp xếp, lắp ghép lại và khẳng định, khả năng tìm thấy gia đình cậu là rất lớn. Hai bà cháu lên đường.

Rất nhiều gian nan. Rồi cũng tới được một vùng quê hoang vắng đang bị sa mạc hóa. Nhìn là biết cuộc sống ở đây chẳng dễ chịu gì. Bà bảo cậu: “Tìm được gia đình cháu, nếu họ đón nhận cháu tốt. Bà sẽ đi nhé! Cháu sẽ ở lại với bố mẹ và các anh”. Cậu bé mếu máo: “Không! Không! Bà sẽ ở lại với gia đình cháu chứ! Bà đi đâu? Bà có ai thân thiết ngoài cháu đâu!”. Bà quay mặt đi không nói để giấu nỗi buồn, nỗi sợ có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Lại hỏi thăm. Lại đi. Từ nhà này sang nhà khác. Cuối cùng, một người đàn ông tốt bụng nói rõ cho hai bà cháu biết là cặp vợ chồng được xem là cha mẹ cậu bé đã mất từ lâu rồi. Nhưng còn 3 người anh trai. Họ sống ở làng bên. Làm nghề thợ mộc. Và người đàn ông tốt bụng đó đã dẫn hai bà cháu đến tận nhà của 3 người anh.

Phút bỡ ngỡ ban đầu qua đi. Người anh cả ôm cậu em út thất lạc nhiều năm vào lòng. Không có một giọt nước mắt nào, theo đúng cái cách xúc động của những người đàn ông. Anh nói:”Khi bố mẹ mất, không ai nói cho các anh biết là còn có em. Nhưng em đã về đây rồi. Cuộc sống của các anh còn khó khăn. Nhưng em là sẽ đứa em được các anh thương yêu nhất. Cả bà nữa. Nếu bà không còn ai thân thích, bà cũng sẽ ở lại đây với chúng cháu”.

Các anh đưa cậu đi tắm. Chuẩn bị bữa cơm tối đạm bạc.

Lần đầu tiên, kể từ khi được sinh ra, cậu bé nằm ngủ lọt thỏm giữa những người anh, vốn là những người lao động chân tay to lớn.

Tờ mờ sáng…!

Như có linh tính mách bảo. Cậu choàng tỉnh dậy ngó sang giường nằm của bà. Bà không còn đấy nữa. Một giấy viết chữ thật đẹp để lại dưới ánh đèn leo lắt. Đọc vài dòng, cậu cầm tờ giấy trên tay, mở cửa, chạy thục mạng về phía bến xe.

Chiếc xe đầu tiên đã lăn bánh. Bà đã đi mất rồi. Mảnh giấy báo cho cậu biết bà sẽ không ở lại. Bà sẽ phải đi vì đấy không phải là nhà bà. Nhưng đấy là nhà cậu. Cậu sẽ được các anh thương yêu và chăm sóc. Các anh còn nghèo. Nhưng không ở đâu tốt bằng mái nhà nhà mình, và giữa những người ruột thịt.

Bộ phim kết thúc bằng hình ảnh chiếc xe khách tung bụi trong nắng sớm phía mờ xa. Còn cậu bé, cậu đứng trên mô đất nhỏ gần nhà. Hình ảnh rắn rỏi, dũng cảm và sẵn sàng đương đầu.

Lần nào xem phim, anh cũng nhớ tới năm 11 tuổi phải xa nhà đi học. Những đêm một mình giữa căn nhà tập thể mênh mông vốn là sân đình lạnh lẽo. Nỗi sợ đeo đẳng anh tứ phía. Có lần nhớ nhà, chiều thứ 5 tan học, chẳng xin phép ai, anh đi bộ 12 cây số để về nhà với mẹ với các em. Rồi lạc đường giữa đêm khuya rét cắt da. Anh gặp một bà cụ tát nước cánh đồng xa về muộn. Bà đã đưa anh về tận nhà. Nếu không gặp bà, có thể, anh cũng đã lạc đi đâu mất, như cậu bé trong bộ phim xem giữa chừng kia.

Bộ phim cho anh một thông điệp rõ ràng. Nhà mình có nghèo, bố mẹ mình có nghèo, anh em mình có vất vả bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng không ở đâu tốt bằng mái nhà nhà mình, và giữa những người ruột thịt thân yêu.




17 nhận xét:

  1. Em chưa xem phim này nhưng cách anh kể làm xem xúc động, nhất là cái chân lý: gia đình.

    Em nhớ một phim về một chàng lính thủy da đen tìm gia đình của mình cũng tương tự như vậy, phim là câu chuyện có thật do Dezel Washington sản xuất và tham gia đóng. Phim ấy cũng là một chân lý gia đình tuyệt vời.

    Trả lờiXóa
  2. Cuộc sống của cậu bé từ đó hy vọng sẽ tốt hơn.

    Còn người bà ấy thì sao hả anh. Liệu bà và cậu bé có còn gặp lại nhau nữa không?

    Trả lờiXóa
  3. Phát hiện ra anh Thụy rất dễ xúc động. Tèn ten... :-D

    Trả lờiXóa
  4. Phim này là "Ga Trung tâm" của Brazil. Phim được đề cử 2 Oscar năm 1999 cho phim nước ngoài hay nhất, và nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (Fernanda Montenegro).

    Nhân vật chính là người làm nghề viết thư thuê ở Ga trung tâm Rio de Janeiro. Một ngày có người phụ nữ dắt con trai đến thuê bà viết thư cho chồng. Người phụ nữ bị tai nạn giao thông khi băng qua đường và chết. Cậu bé buộc phải đưa vào trại trẻ mồ côi. Bà già đến đó cứu nó ra và bắt đầu hành trình đi tìm bố.

    Đoạn sau thì như anh kể.

    Trả lờiXóa
  5. VMC: Anh nhớ, em đã nói với anh là phim Nhà ga Trung tâm mà. Anh thích phim này lắm. Cảm động nhất là cái đoạn cuối kết thúc của phim.

    Trả lờiXóa
  6. Đàm Hà Phú: Anh chưa bao giờ được xem đoạn đầu của phim. Anh chỉ đoán, thông điệp của nó là gia đình, gia đình và những người ruột thịt thân yêu.

    Trả lờiXóa
  7. Lila Thanh: Anh không biết. Phim kết thúc thế đấy! Cậu bé thì chắc là tốt hơn rồi. Còn bà thì ra đi thôi. Đoạn kết xúc động, và hơi buồn.

    Trả lờiXóa
  8. Titi: Đàn ông mà dễ xúc động là không tốt. Đúng không?

    Trả lờiXóa
  9. Không xúc động thì là cái máy . Dễ xúc động đúng lúc cần xúc động thì rất tuyệt ạ :-)
    Em cũng hay khóc trong khi xem phim hoặc nghe nhạc, thậm chí đọc thư từ mùi mẫn cũng dễ mít ướt. Bây giờ còn có cái tật cứ thấy trẻ em là xúc động tràn trề nữa. Hu hu... ai cần gì lấy trẻ em ra nhử TIti là dễ thành công lắm kè kè kè

    Trả lờiXóa
  10. "không ở đâu tốt bằng mái nhà nhà mình, và giữa những người ruột thịt thân yêu."
    Thích nhất câu này của bác Thụy!

    Trả lờiXóa
  11. 11 tuổi, 12 cây số, khoảng cách hơi xa xa một tí thôi. Tôi cũng xa gia đình từ năm 9 tuổi, đi xa luôn, nội trú. Vẫn rất nhớ tâm trạng con trẻ những năm tháng đó.

    Trả lờiXóa
  12. Trên đời này tội nhất là những đứa trẻ chưa từng biết đến hơi mẹ, chưa từng biết đến sữa mẹ là gì? những đứa trẻ đó nó cũng cần tình thương, cần người quan tâm đến nó. Ba em lúc còn sống có một tâm nguyện là có khả năng tạo được một nhà nuôi những đứa trẻ mồ côi, tiếc là ba em dở òm, chỉ mang dìa nhà nuôi được có 3 đứa mồ côi thôi. Trên đời này thì còn cả khối trẻ con mồ côi, sống thiếu thốn. Cái cảm giác thèm ăn, thèm uống đầy đủ có lẽ là cảm giác những đứa trẻ mồ côi hay gặp phải. Chắc ba em mất rồi mà vẫn còn ức lém vì không có tài để biến ước mơ thành hiện thực ;))

    Trả lờiXóa
  13. Titi: Trời đất! Bật mí yếu điểm của mình thế em không sợ hả?

    Trả lờiXóa
  14. Đỗ: Có lẽ thời tôi và bác, khoảng cách này không xa. Nhưng với trẻ con bây giờ, khoảng cách ấy mà đi bộ thì xa đấy bác ạ!

    Trả lờiXóa
  15. Lu: Anh nhớ có lần em nói về ước mơ của ba em là cưu mang những đứa trẻ mồ côi. Mong muốn làm viêc thiện cho đời của ba em thật là đáng học hỏi và noi theo đấy em ạ!

    Trả lờiXóa
  16. em có lần khen anh Thụy tâm hồn trong trẻo mừ, rất nhiều tâm trạng, và hồn nhiên biểu đạt. Thế là sướng, khỏi bị xì trét. Hâm mộ anh!

    Trả lờiXóa