Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2010

TIỆM ĐÁNH GIÀY



Gọi là tiệm, bởi vì thực sự là chẳng biết gọi thế nào nữa. Bác Quyết không xách hòm đồ nghề đi đánh giày rong như một số người và hội đánh giày trẻ con hiện vẫn thường làm. Bác ngồi cố định ở một chỗ. Gần 18 năm nay vẫn như vậy. Vẫn chỗ đó. Không có gì thay đổi. Chỉ có đồ nghề là được bác thường xuyên tân trang mà thôi.

Năm 1990 mới đó mà xa lơ xa lắc.

Hai vợ chồng bác đang làm công nhân ở một Xí nghiệp chuyên sản xuất thiết bị đo lường. Gặp thời điểm bao cấp bị xóa bỏ để chuyển sang cơ chế thị trường, Xí nghiệp cứ như nhà có đám. Công ăn việc làm chẳng có. Nghỉ chẳng ra nghỉ, chơi chẳng ra chơi. Cấp trên thì ra sức tuyên truyền tinh giản biên chế. Mọi người ai có điều kiện thì nên xin về nghỉ “một cục”, kiểu nghỉ chế độ theo Nghị định 176 nổi tiếng những năm đầu thập niên 90.

Vợ chồng bác Quyết thì chẳng có điều kiện gì hết. Cả đời theo Nhà nước, đâu có biết làm gì ngoài việc đến Xí nghiệp hàng ngày đâu. Năm ấy, hai bác mới vừa sinh xong đứa thứ 2. Đứa đầu 10 tuổi, đứa thứ hai chưa đầy 3 tuổi, còn đang cắp nách. Nhưng rồi vợ chồng bàn nhau, cứ bám vào Xí nghiệp thì cũng chẳng hơn gì. Vẫn phải nghỉ ở nhà vì không có việc, mà tháng tháng vẫn phải đóng thêm cái tiền bảo hiểm.

Thôi thì “một liều ba bảy cũng liều”. Hai vợ chồng bác đồng loạt xin về “một cục”. Lĩnh được mấy chục triệu đồng, cả hai phân vân chẳng biết làm gì lấy tiền nuôi con và nuôi nhau. Loăng quăng vài tháng, “miệng ăn núi lở”, tiền cứ cạn dần. Lo quá, bác gái nhận trong con cho đôi vợ chồng trẻ ở cùng khu tập thể, tháng kiếm mấy trăm ngàn. Bác trai thì thử đủ nghề, từ xe ôm đến bảo vệ, từ khuân vác đến đưa trẻ con đi học. Cuối cùng, cực chẳng đã, bác làm một hòm đồ nghề ra phố đánh giày thuê.

Nơi bác Quyết chọn ngồi là cổng phụ của một cơ quan Bộ. Ngày ấy, đánh giày thuê chưa phổ biến như bây giờ. Chủ yếu là người ta tự đánh giày, thậm chí, giày bẩn, họ nhổ tí nước bọt bôi bôi qua là xong. Bác Quyết ngồi được mấy hôm thì phát hiện ra một tình tiết khá thú vị. Trong cơ quan Bộ thường một số người đi học Tây, Tàu về, trông rất là ngon lành. Các cô chú này nhìn thấy bác thì khoái lắm. Họ hồ hởi thuê bác đánh giày. Có hôm, còn hẹn bác đến tận nhà đánh cho cả nhà hàng chục đôi giày, dép da, xăng-đan.

Có việc. Có tiền. Bác Quyết cực kỳ phấn khởi. Bác đầu tư cái hòm đèm đẹp, hộp xi Thái, cồn rửa giày màu trắng, miếng vải nhung đánh nước bóng… Giày của ai bác cũng làm rất cẩn thận theo tiêu chuẩn mà bác nghĩ ra là phải bóng lộn và thơm phức mùi xi mới.

Năm tháng qua đi. Giá đánh giày từ 1 ngàn đồng ngày nào giờ đã tới 4 ngàn, 5 ngàn đồng một đôi. Bác Quyết vẫn ngồi đó. Gần 18 năm nay, dù ngày mưa hay ngày nắng, dù ngày đông khách hay không? Giờ thì bác làm ăn tốt lắm. Ngày ít cũng đánh 3 chục đôi giày. Ngày nhiều 4 chục, có khi còn hơn nữa. Chưa kể dán đế hỏng, thay dây mới.

Gần 18 năm. Tiệm đánh giày bác Quyết bám trụ. Con gái lớn ngày nào, giờ đã lấy chồng, có con. Bác Quyết đã có cháu ngoại từ lâu. Thằng con trai thứ hai học hết phổ thông, vào trường dạy nghề của Thành phố học việc. Tất cả tiền học, tiền sắm cái xe máy Tàu đều được chu cấp từ tiền công đánh giày của bố. Bác Quyết kể rằng trước đây, cu cậu rất hay mặc cảm vì bố làm nghề đánh giày. Có bận, cậu phải giấu cả bè bạn không cho biết bổ làm ở đâu, nhất là cô bạn gái. Giờ thì cậu rất hãnh diện về tiệm đánh giày của bố.

Có hôm rảnh rỗi, cậu ra ngồi làm cùng bố, lúc đứng lên, mắt trước mắt sau, cậu xin bố mấy chục để đi chơi với bạn. Những hôm như thế, bác Quyết bao giờ cũng chửi yêu cu cậu mấy câu rồi buông tay than phiền vu vơ với những người khách đang chờ: “Thế đấy! Mấy thằng con trai thật là vô tích sự, cứ xoáy được cái gì là mang cúng ngay cho bạn gái! Bố mẹ còn cửa nào mà nhờ nữa cơ chứ!”.






35 nhận xét:

  1. Hehe... em rình bài anh mãi :)

    Trả lờiXóa
  2. Cứ chăm chỉ là không bao giờ chết đói, đúng không anh? Em rất ngưỡng mộ những người như bác Quyết này.
    Còn con trai thì đương nhiên sẽ cúng hết mọi thứ chúng nó có cho gái rồi. Hèhè

    Trả lờiXóa
  3. P.s. Em rất khoái là ngày của Mẹ, anh "kín đáo" viết bài về Cha (mẹ)

    Trả lờiXóa
  4. Bác Quyết này ko biết ngồi ở đâu nhỉ, chứ cái ông sửa giày ở phố Quang Trung mà em biết thì cũng là minh họa điển hình cho cái sự sống sung túc nhờ lao động chân tay chân chính :D

    Trả lờiXóa
  5. Hồi đầu thập niên 90 rất nhiều các bác "về 1 cục", không biết sau có được lương hưu không hở bác ? Hay 1 chế độ bổng nào?

    Trả lờiXóa
  6. Bác này hay quá! em kết những người ngoi lên được nhờ tự sức lao động ko nhờ vã ai như bác này. Ở xã hội em sống thì ko có nghề nào xấu, miễn là đồng tiền mình tìm ra ko phạm pháp. Có nhiều gương thành công chỉ nhờ vào sự chịu khó lúc ban đầu, thí dụ như chủ tiệm bánh mì Lee sandwiches ở bang Cali. Ngày đầu qua Mỹ tay trắng, hai vợ chồng thuê xe đi bán thức ăn dạo ở những công ti điện tử chung quanh thung lũng San Jose, nhờ chịu khó mà bây giờ ông ta làm chủ cả trăm chiếc xe lunch như thế, và mở nhiều lò bánh mì Lee nổi tiếng làm cho nó thành Franchise.
    Em nể nhất là gương một nữ kỹ sư người Việt gốc Hoa, bà ấy trở thành giàu bạc tỉ nổi tiếng cả khu vực Châu Á chỉ nhờ vào mua bán đồng nát điện tử. Những con parts sau khi sửa máy móc xong thì người ta thuê người vất nó ra bải rác điện tử. Bà ta nhìn ra được tiền từ đống vụn nát đó nên đã xin thầu mua lại. Sau đó bà ấy mang về tự tay ráp lại máy móc từ đống đồng nát đó, rồi mang đi bán lại cho khách hàng với giá rẻ. Lúc đầu tự sức làm, sau đó bà ấy thành công thì mở hẳn cả công ti. Chỉ sau vài năm thì công ti bà ấy bao trùm các mối thiêu thụ khu vực Châu Á, nổi lên thành một nữ tỉ phú nhờ vào "đồng nát".

    Trả lờiXóa
  7. Bà nội con em cũng đồng nát nuôi con ăn học, mua nhà cửa. Giờ con học xong vẫn mẹ nuôi. Nhưng bảo nối nghiệp là không chịu ạ. Mất công ăn học, ai lại làm đồng nát, hihi.

    Trả lờiXóa
  8. @ like2chat : hì hì, có một loại đồng nát mà làm thì sẽ ko ngại ngùng và mắc cở, vì nó thuộc dạng hàng khủng đó like2chat. Thí dụ đơn giản nha, buôn đồng nát giấy vụn, lon nước, vỏ chai thì tính bạc xu một kg. Nhưng đồng nát điện tử thì...1 con CPU giá thành bên ngoài khoảng gần 2000 dollars, nếu có vứt ra vì khách muốn dùng đồ brand new, cho dù giá đồng nát chỉ còn 1/3 vẫn lời đậm đó.

    Trả lờiXóa
  9. Hình như bác ấy ngồi ở 24 Tràng Tiền phải không ạ?

    Trả lờiXóa
  10. I Like C's comment . Bác ấy không nên dùng cụm từ "cúng cho bạn gái" nghe không ăn nhập gì. Mà nên nói "cúng cho gái" thoai :-D

    Trả lờiXóa
  11. Mai: Cám ơn em! May quá là em biết ý định của anh! E tuyệt lắm! Hì

    Trả lờiXóa
  12. VMC: Anh cũng thế, biết bác này qua anh lái xe của anh. Khoái quá nên viết đấy!

    Ừ, con trai phải cúng cho con gái là đúng rồi mà! Khoản này, anh nhất trí cao với em. Hì!

    Trả lờiXóa
  13. Dứa và NLVD: Bác này ngồi ở Cổng phụ của Bộ Lao động-TBXH em nhé!

    Trả lờiXóa
  14. Chu Nam Cuong: Không bác ạ! Về một cục là chỉ lĩnh một lần thế thôi. Sau đó là thôi! Cơ cực lắm đấy!

    Trả lờiXóa
  15. Lu: Bản thân anh từng làm ở Bộ phận Lao động-Tiền lương của một Nhà máy cơ khí. Anh rất yêu những người thợ, những người công nhân thực sự ấy. Hồi làm ở đấy, cả ngày anh ở dưới xưởng luôn.

    Trả lờiXóa
  16. like2chat: Em thấy Lu nói về nghề đồng nát rồi đấy nhé! Nghề nào cũng có cơ hội cho những người muốn vươn lên mà!

    Trả lờiXóa
  17. Titi: Nghe câu cúng cho gái hơi mạnh. Nhưng mà hay và đúng hơn nhỉ! Anh thích câu ấy!

    Trả lờiXóa
  18. Hì, không tuyệt lắm đâu anh:) Chẳng qua tại vì trong em Cha và Mẹ ngang ngôi...

    Trả lờiXóa
  19. @ VMC & DMT: Túm lại, các anh đang ở độ tuổi con trai của bác nài hết cả lượt nhỉ. Hé hé...

    Trả lờiXóa
  20. "Cứ chăm chỉ là không bao giờ chết đói". Vâng, đúng thế thật. Riêng về cậu con, em sẽ viết 1 chuyện tương tự cho các bạn trẻ đọc vậy.

    Trả lờiXóa
  21. @Lu ơi, để hôm nào chị gửi bà sang chỗ Lu, Lu dẫn bà đến cơ sở đồng nát ấy học hỏi kinh nghiệm nhé.

    Trả lờiXóa
  22. Tôi rất thích những câu chuyện đời thường như thế này. Xin phép bạn một góp ý nhỏ: Hình như tới '95 mới có vụ đóng tiền bảo hiểm XH sao ấy.

    Trả lờiXóa
  23. @ Like2chat : hì hì, chị phải nói bà chia 6/4 cho Lu nếu bà trúng thầu nha ;))

    Trả lờiXóa
  24. @ Like2chat : hì hì, chị phải nói bà chia 6/4 cho Lu nếu bà trúng thầu nha. Đồng nát nó nằm ngay trong công ti của Lu mà, mỗi tuần có một thèng ku thầu Mỹ trắng nó đổ đi cả 4 cái containers đầy ắp parts ;))

    Trả lờiXóa
  25. Anh Thụy ơi chuyện nào anh viết về những người lao động cũng rất đời và rất hay.
    Em vừa đọc lại VỢ CHỒNG NHÀ BÁU...
    Chăm chỉ lao động và sống bằng sức mình như bác đánh giày này thật đáng trân trọng anh nhỉ?

    Trả lờiXóa
  26. Đỗ: Cám ơn bác! Đúng là khoảng năm 95 thì Bảo hiểm mới được đóng như ngày nay. Trước đó, Bảo hiểm theo cơ chế bao cấp, mặc nhiên có nếu như người lao động được xếp lương (theo ngạch bậc Nhà nước). Thế mới có chuyện lách luật là Cơ quan vẫn đăng ký bảo hiểm cho mình, nhưng nếu mình nghỉ ở nhà đi chạy chợ, làm thêm thì sẽ phải nộp phần trăm cho cơ quan để làm bảo hiểm là vì thế bác ạ!

    Trả lờiXóa
  27. Lana: Đúng rồi, anh thích những bác như bác này. Mà em tin anh đi, những người lao động như bác này cuộc sổng rất vui vẻ và vô tư nhé! Chẳng bù cho anh em mình, lo đủ thứ chuyện, mệt lắm!

    Trả lờiXóa
  28. Lu và like2chat: Đề nghị 2 em cho anh xin tí phí diễn đàn nhé!

    Trả lờiXóa
  29. Đàm Hà Phú: Phú viết đi! Kể chuyện đời thực thường là rất hay và bổ ích mà!!

    Trả lờiXóa
  30. Lu có mối hay thật. Lu trích trong 6 phần tý hương hoa cho a T nhé.

    Trả lờiXóa
  31. @anh Thụy
    Ở SG trước đây em biết có hai vợ chồng bác đánh giầy ngồi ở khu vực gần chợ Bến Thành. Họ cũng nhận làm một số các dịch vụ khác liên quan đến đôi giầy. 4 người con của cặp vợ chồng này được học hành đến nơi đến chốn nhờ vào thu nhập hàng ngày của bố mẹ. Em không có ý khuyến khích mọi người chọn công việc đánh giầy, em chỉ nghĩ khi mình chăm chỉ lao động, chi tiêu hợp lý thì với thu nhập khiêm tốn, người ta vẫn có thể sống được.

    Trả lờiXóa
  32. Hạnh Phúc Lang Thang: Em vẫn lên được blog cơ à? Hì, tưởng là bận thế, phải tuần sau mới thấy em chứ. Đúng là không ai muốn mình phải vất vả, cơ cực. Nhưng em có nhớ Trần Long Ẩn có câu "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng. Gian khổ biết về phần ai?".

    Anh vốn xuất thân từ lao động chân tay, anh biết cái hạnh phúc của giới cần lao. Nghề gì thì nếu mình yêu nghề, mình cũng sẽ sống được với nghề em ạ!

    Trả lờiXóa
  33. C nghĩ cái câu cuả ông bà mình để lại "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" luôn đúng, trong truờng hợp này.

    Trả lờiXóa