Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

TỜ GẤP QUẢNG CÁO



Xe dừng lại ở ngã tư chờ đèn đỏ. Một cậu thanh niên cầm tập phong bì vẫy tay ra hiệu rồi nhét cái phong bì qua khe cửa nhỏ vừa hạ xuống. Anh cầm lên: À, lại cái phong bì chứa tờ gấp quảng cáo. Lần này là tờ quảng cáo của một công ty chuyên về dán phim cách nhiệt cho kính xe hơi. Đặt cái phong bì xuống ghế xe, anh chợt mỉm cười nhớ lại ngày nào!

Ngày ấy…

Cứ mỗi lần bị các cô, cậu sinh viên chặn lại ở các ngã ba, ngã tư để thả vào giỏ xe, ấn vào tay cái tờ gấp quảng cáo là anh khó chịu ra mặt. Chẳng để làm gì cái thứ của nợ ấy! Có lần đang ngồi uống bia hơi, đám PG đến chào thuốc lá, rượu, máy massage, rải tờ gấp quảng cáo… là anh ngoảnh mặt làm ngơ ngay lập tức. Ở những nơi ấy, anh đã nhiều lần chứng kiến người ta xua đuổi họ như xua tà.

Căn hộ nhà anh trong một khu chung cư lớn của Hà Nội, chẳng tối nào là không có các nhân viên tiếp thị, quảng cáo gõ cửa. Họ đưa tờ gấp quảng cáo, đưa sản phẩm mẫu chào hàng (những thứ mà nhà anh hầu như chẳng bao giờ dùng) hoặc chỉ đơn giản là đưa tấm business card. Nói chung là những thứ, những hành động khiến anh chẳng thích thú chút nào. Dù không mấy khi phản ứng ra mặt, song anh thực sự khó chịu về sự xuất hiện của lực lượng này.

Cho tới một ngày…

Con gái anh đang học năm thứ 2 đại học được nghỉ hè. Cô nói với anh: “Con sẽ đi làm thêm nhé! Có một công ty nhận sinh viên làm thêm. Công việc đơn giản thôi: Đi chào bán và rải tờ gấp quảng cáo cho sản phẩm bàn là hơi nước của Mỹ. Mỗi cái bàn là bán được, con được 180 ngàn VND, còn rải tờ gấp thì 85 địa chỉ mỗi ngày với tiền công 70 ngàn VND”.

Anh muốn con gái làm thêm, cũng chẳng phải vì tiền công. Cái chính là anh muốn con yêu lao động, biết quý công sức của mình. Đồng tiền có được, bao giờ cũng phải từ sự cực nhọc của mình thì mới là đồng tiền đáng giá. Anh gật đầu ủng hộ.

Từ khi đi làm thêm, tối nào trong bữa cơm, anh cũng được con gái kể chuyện công việc của mình. Thật sự là cực nhọc. Giữa trưa hè tháng 6 nắng như đổ lửa mà lê bước hết nhà này đến nhà khác trên các con phố, trong các căn hộ chung cư. Có khi cả tuần liền không bán được cái bàn là nào. Đã thế, khi đi rải tờ gấp quảng cáo sản phẩm, hay gặp phải nhất là sự ghẻ lạnh, thái độ bực dọc của mọi người.

Nhưng cũng nhiều ngày có niềm vui. Có ngày, cô bán được tới 2 cái bàn là, rải được cả trăm địa chỉ. Những ngày ấy, con gái anh vui lắm! Cô hào hứng khoe kết quả với cả nhà. Hẹn sẽ mua quà cho bố, cho mẹ và cho em trai. Những ngày như thế, cả nhà anh vui như ngày hội.

Nhưng câu chuyện làm anh nhớ nhất lại không phải là câu chuyện bán được nhiều bàn là, rải được nhiều tờ gấp. Mà là một câu chuyện khác.

Hôm ấy, con gái anh rải tờ gấp trên các nhà mặt phố của một tuyến đường chuyên buôn bán dụng cụ thể thao. Cũng chẳng có gì mới. Vẫn là những khuôn mặt miễn cưỡng, thái độ ghẻ lạnh của chủ nhà khi bị làm phiền. Nhưng đến một cửa hàng gần giữa phố, chị chủ nhà cầm tờ gấp giới thiệu về cái bàn là hơi lạ hoắc. Ngắm nghía một lát, chị nói: “Chị chưa biết cái này có thích hợp với gia đình không, vì chưa dùng bao giờ, nhưng em cứ để số điện thoại lại đây, nếu mua, chị gọi em nhé!”.

Lúc này, chị chủ cửa hàng mới ngẩng mặt lên nhìn kỹ con gái anh. Dường như chợt có một ý tưởng gì, chị nói: “Em chờ chị một phút!”. Quay vào trong nhà giây lát, lúc ra, chị cầm trên tay lon cô-ca cô-la ướp lạnh và đưa cho con gái anh: “Em cầm lấy mà uống cho đỡ mệt!”. Thật bất ngờ và cảm động. Con gái anh, bình thường vốn chẳng thích thứ nước uống đóng hộp đó, nhưng cô nói với anh, hôm ấy, lần đầu tiên cô thấy cô-ca cô-la ngon hơn bất cứ một thứ nước uống nào khác.

Từ đấy, cứ mỗi lần gặp các cô, cậu sinh viên đi chào hàng, rải tờ gấp là anh vui vẻ nhận tờ gấp, mẫu hàng và không quên tặng họ một nụ cười, một lời cám ơn. Nếu không dùng đến, không xem đến những thứ ấy, bao giờ anh cũng nhẹ nhàng đặt lên bàn café mỗi sáng, để những người đến sau có thể xem nếu họ quan tâm.




19 nhận xét:

  1. Khen con gái nhà bác một câu: Giỏi!

    Trả lờiXóa
  2. Dễ thương quá, bác viết hay lắm. Bên em cũng thường va các bạn đi phát tờ gấp này. Nhưng mà vui vẻ thôi, cả hai phía. Em thì có thói quen ai đưa gì cứ cầm, biết đâu có cái gì hay ho :-) Vụ Tony Hoàng bên nhà em cũng là từ một tờ gấp như thế mà em biết về cậu ta. Cậu ấy cũng vì 1 tờ gấp thế mà nhận được 'kí hiệu' của Chúa. Con gái trong bài này thì gặp được 1 ly nước mát. Đời nhiều điều thú vị mà vui bác ạ :-)

    Trả lờiXóa
  3. Vậy là con gái đi làm thêm rải tờ rơi ngoài việc được tiền công, được kinh nghiệm sống, thì còn được một điều nữa là thay đổi thái độ nhìn của bố với tờ rơi :)
    Câu chuyện đẹp quá.

    Trả lờiXóa
  4. Em tự lập từ bé nên rất quý những đứa trẻ biết tự lập. Chúng sẽ có nhiều hơn cơ hội thành công trong tương lai.

    Trả lờiXóa
  5. Nơi em ở trước đây có một hộp thư bé đạt tiêu chuẩn, mỗi một ngày có khoảng 5-6 người bỏ vô cái hộp thư đó một xấp quảng cáo dày cộm. Đến chừng có thư quan trọng đến, không còn chỗ nào để nhét vô. Người đưa thư quay trở lại bưu điện bỏ thư của em ở đó và để tin nhắn yêu cầu em ra bưu điện ấy. Sau chục lần như thế em phải dán trước cái hộp thư là không nhận tờ gấp quảng cáo.

    Trả lờiXóa
  6. EM chưa bao giờ khó chịu với các bạn phát tờ rơi. Vì em nghĩ nghề nào cũng là nghề, miễn là lương thiện. Hồi mới ra trường, em may mắn được vào ngay cơ quan lớn chứ nhiều bạn của em phải vất vưởng làm thêm như thế lắm. Hic...

    Trả lờiXóa
  7. Anonymous: Cám ơn bạn rất nhiều!

    Trả lờiXóa
  8. Gauxx: Đúng là cuộc sống thực tế nhiều gian truân, nhưng cũng cho ta nhiều bất ngờ, nhiều trải nghiệm thú vị và nhất là, nhiều niềm vui vô bờ bến! Anh nhớ vụ Tony, và rất vui vì một con người biết đứng lên từ chính nơi mình đã ngã xuống.

    Trả lờiXóa
  9. Lana: Đúng là thay đổi thái độ em ạ! Từ một câu chuyện thực tế!

    Trả lờiXóa
  10. VMC: Anh biết, về việc tự lập thì em là mẫu hình sống động nhất cho các bạn trẻ muốn khẳng định mình.

    Trả lờiXóa
  11. Hạnh Phúc Lang Thang: Đúng là cái gì thái quá cũng là điều đáng sợ. Tờ gấp quảng cáo cũng thế thôi em ạ!

    Trả lờiXóa
  12. Titi: Hì, em biết thông cảm thế, nhiều bạn trẻ đang lăn lộn kiếm sống ngoài đường sẽ vui lắm đấy!

    Trả lờiXóa
  13. Em đã từng làm nghề rải truyền đơn này, nhưng ở cấp độ quý tộc hơn tý, nên em không thấy khó chịu vì mấy bạn này. Em thường xem tờ rơi và nếu em không quan tâm thì em trả lại luôn.

    Con gái a T chịu khó xông pha nhỉ. Có những điều bố lại học được từ con hay thật.

    Trả lờiXóa
  14. like2chat: Ừ, con gái chăm chỉ lắm. Học hành nhiều quá, anh chẳng thích lắm. Hic!!

    Trả lờiXóa
  15. Trước là khen con gái giỏi quá.
    Sau là, vì chính em là người trải qua nhưng điều này nên rất hiểu ạ.
    Chia sẻ với cô í

    Trả lờiXóa
  16. Còn em thì bi giờ có thói quen như vầy, khi đi ăn nhà hàng em cho tiền típ hơn mức quy định chung trên số tiền mình đã ăn. Em cho tiền tip nhiều vì đa số các bồi bàn bên Mỹ là sinh viên, học sinh đi làm thêm.
    Ngày còn đi học, vì muốn tập nói vững thêm English nên có 2 tháng hè em đi làm bồi ở nhà hàng MacDonald. Cũng dọn dẹp, lau bàn, đổ rác, nhưng vì là MacDonald nên ko ai cho tiền tip cả. Lúc đó, khách nào chơi sang cho tiền tip thì tụi em khoái lắm, có tiền dư ra để ăn uống thêm.
    Đa số du học sinh tứ xứ tới Mỹ, hoặc học sinh ko có cha mẹ take care tiền học, thì vừa học vừa làm là chuyện sống còn. Đi làm về mệt lại phải lo thức để học bài, nói chung là dạng sinh viên này rất cực.
    Đây là lí do mà sau này em đi ăn nhà hàng thì cho tiền típ nhiều, vì em biết họ cần tiền giống như em ngày trước vậy.

    Trả lờiXóa
  17. Lu: Mình đã trải qua cầu nào, thì lớp người sau cũng sẽ phải qua cầu ấy. Biết chia sẻ như em, thật đáng khen ngợi lắm!

    Trả lờiXóa
  18. A ơi, cho E đăng báo bài này nhé? Cho E e-mail của A để E liên lạc ạ. E cảm ơn A nhiều!

    Trả lờiXóa