Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2010

CẦU SÔNG CÁI 2



3

Khi ấy, ông tôi đã đưa tấm thẻ căn cước từ hồi còn làm phu cho Sở lục lộ và nói với
họ: “Tôi đã đi làm cho Sở lục lộ 19 năm trời, nay con tôi bị bệnh sắp chết. Nếu các ông không cho tôi qua để lấy thuốc bây giờ, để đến sáng mai thì chính các ông là người giết chết con tôi. Xin các ông hãy nhớ, năm nay tôi 47 tuổi và chỉ có mình nó là thằng con trai duy nhất!”.

Ông tôi kể rằng sau khi thảo luận với nhau, mấy người lính Pháp đã nhân nhượng. Họ cho ông tôi qua cầu. Có thể vì động lòng thương một người đàn ông đứng tuổi đang cảnh “cha già con cọc”. Cũng có thể vì cái mác “Phu lục lộ” của ông tôi. Có lần, bố tôi nói rằng có lẽ là do mấy người lính Pháp thấy một ông lang nhà quê lại giỏi tiếng Pháp nên ít nhiều vị nể và châm chước.

Khoảng quá nửa đêm, ông tôi gõ cửa nhà một ông bạn già chuyên cung cấp thuốc “cái” tên là Quý và lấy được lạng nhân sâm Cao ly quý. Nhờ có nó, những mụn đậu mùa của bố tôi mới phát được. Những thang thuốc của ông mới có tác dụng và bệnh tình của bố tôi đã rút.

Sau lần biến động khủng khiếp ấy, bố tôi đã ở lại nhà, nhưng mối quan hệ với bà nuôi vẫn được chúng tôi giữ cho đến tận ngày hôm nay. Bà vẫn là chỗ dựa tinh thần cho bố con tôi rất nhiều, nhất là sau năm 1978, năm ông nội tôi mất. Mỗi lần anh em tôi lấy vợ, lấy chồng, bà đều vào và ngồi trên vị trí “tối cao” để ra “chủ trương” chung.

Những năm sau này, mỗi khi qua cầu Long Biên, chẳng lần nào tôi quên đưa mắt kiếm tìm và hình dung ra vị trí mà ông tôi đã bị những người lính Pháp giữ, rồi lại châm chước cho đi qua, mặc dù chiếc cầu cũng như đoạn đường dẫn đã thay đổi rất nhiều. Từ năm 1923 là thời điểm sửa chữa và nâng cấp đầu tiên, đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cầu Long Biên hầu như được giữ nguyên, ngoại trừ một lần sửa chữa nhỏ vào năm 1938. Năm ấy, mặt đường hai bên consol được cải tạo thành hai vệt lăn bánh xe bằng bê-tông cốt thép nhưng ở giữa thì vẫn là gỗ. Nhờ hai vệt bê-tông ấy, xe ô-tô 5 tấn đó có thể đi qua.

Từ năm 1945, lưu lượng xe ngày một nhiều, người ta đã cho cả 2 xe 7 tấn chạy. Sau ngày giải phóng Thủ đô tháng 10 năm 1954, còn cho phép cả xe 8 tấn chạy với mức giãn cách 4 m. Cứ chạy quá tải như vậy cho đến tận năm 1987, năm Cầu Chương Dương được khánh thành và đưa vào sử dụng. Chưa kể từ sau lần sửa chữa năm 1938, trên đường xe lửa, các loại đầu máy tải trọng lớn lần lượt được phép đi qua. Thoạt đầu là Prairie 50 tấn, sau đó là Mikado 98 tấn.

4

Suốt dọc chiều dài lịch sử hơn 100 năm tồn tại của mình, Cầu Long Biên đã bị nhiều biến động lớn ảnh hưởng đến sức sống và độ bền của nó. Ngày 20 tháng 8 năm 1945 đê sông Hồng bị vỡ gây nên nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu mà không ai là không biết. Trận lụt này cũng ảnh hưởng lớn đến cầu. Lưu lượng nước tới 28,5 ngàn m3/s. Trụ 13 bị xói ở mức cốt - 12,85 m.


Đúng 26 năm sau, ngày 20 tháng 8 năm 1971, đê Cống Thôn sông Đuống bị vỡ, lưu lượng nước qua cầu 24,58 ngàn m3/s. Mức nước ngập dầm T66 (dầm đường xe lửa) gần 1,4 m. Mức xói sâu nhất gần ở cốt - 13,00 m. Hai trận lụt lịch sử cách nhau gần 26 năm, rất ngẫu nhiên, lại có mức ảnh hưởng đến cầu gần như tương đương.

Nhưng có lẽ độ bền vững của cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Từ năm 1967, cầu bị bắn phá 5 lần tất cả. Sau mỗi lần bị thương, cầu lại được sửa chữa hoặc thay thế lại các nhịp. Tuy nhiên trong hoàn cảnh chiến tranh, việc sửa chữa chỉ mang tính chắp vá. Sau này, cầu lại phải liên tục bảo đảm giao thông, nên chất lượng cầu đã giảm sút nghiêm trọng. Các cấu kiện của cầu bị nứt, bị gỉ và nát rất nhiều. Gầm trụ và dầm chắp vá phức tạp, liên kết tán đinh bu-loong và hàn làm việc lẫn lộn, khó xác định được sự chịu lực. Tuyến đường sắt trên cầu rất xấu, cả về bình đồ và trắc học.

5

Đã gần 110 năm trôi qua, Cầu Long Biên giờ đây đã đượm sắc màu và phong thái của tuổi già. Kể từ khi cầu Chương Dương đưa vào sử dụng, một phần rất lớn tải trọng xe ô tô, cơ giới được chuyển sang đây. Nhưng cây cầu già của tôi vẫn mang lại rất nhiều lợi ích cho đời. Hàng chục triệu dân các tỉnh phía Bắc rất tha thiết khai thác cây cầu, bởi vì ai ai cũng muốn từ ga tỉnh nhà lên Thủ đô, tàu chạy một mạch tới thẳng trung tâm mà không phải chuyển các phương tiện khác. Cũng không ai muốn mất thêm tiền và thời gian để chạy đường vòng.

Hiện nay, cầu còn khai thác được mỗi ngày từ 20 đến 22 đôi tàu. Nếu phải chạy đường vòng khi cầu không còn sử dụng được nữa thì mỗi năm, các đôi tàu phải đi xa hơn với chi phí phát sinh bằng kinh phí phục hồi cầu theo phương án tốt nhất. Còn cả một “tỷ” điều mong muốn khác về sự tồn tại của chiếc cầu lớn và cổ nhất nước ta, những điều mong muốn không tính được thành tiền và tôi cũng không nói hết được ở đây.

Tôi đã đi dọc ngang qua bao miền đất nước, đã qua biết bao chiếc cầu từ hiện đại đến thô sơ, những chẳng chiếc cầu nào tôi yêu quý như cầu Long Biên cổ kính cả. Chiếc cầu đã đồng hành cùng đất nước qua hai cuộc chiến tranh thần thánh, đã từng là ân nhân của cả gia đình tôi. Tôi muốn cầu sông Cái mãi mãi trường tồn, dù theo năm tháng, cầu có già nua, mệt mỏi và không còn làm việc được như những ngày còn trẻ trung hồi nào.








14 nhận xét:

  1. Bài viết rất hay và nhiều thông tin bổ ích. Cám ơn bạn.
    Ngày trước, hình như chỉ duy nhất một cây cầu này đi lên phía Bắc hay đi Phòng, còn lại là phà và cầu phao.

    Trả lờiXóa
  2. bài viết tốt quá, đăng báo chưa bác?

    Trả lờiXóa
  3. Anh viết hay quá, rất nghĩa tình. Mến cầu sông Cái hơn nhiều nhờ bài viết của anh.

    Trả lờiXóa
  4. Quá hay! Theo em , anh nên gửi dự thi những bài viết về HN nhân dịp 1000 năm Thăng Long ;-)

    Trả lờiXóa
  5. Em vừa tậu được rịu kỹ niệm 125 năm sinh nhật của V. Sattui Winery, Napa Valley, có ai muốn uống hông ta? điều kiện --> phải sinh đúng ngày 30 tháng 7 thì mới được thử rịu nhé! ;))

    Trả lờiXóa
  6. Em đi làm qua Gia Lâm. Ngày 2 lần đi, về và thường đi cầu Chương Dương. Nhưng lâu lâu em lại cố tình rẽ qua để đi lối cầu Long Biên, nhất là những khi có Dim Mei đi cùng.

    Cây cầu đã cũ, hơi gập ghềnh, nhưng cứ đi qua lại có cảm giác gì đó rất đặc biệt, lâng lâng, có lẽ vì dấu ấn thời gian, lịch sử của cây cầu.

    Trả lờiXóa
  7. Bài này phải đăng báo chứ. Bài quá hay, nhiều tư liệu và tình cảm. Cảm ơn anh

    Trả lờiXóa
  8. Đỗ: Cám ơn bạn! Chính xác là chỉ có mỗi cây cầu này đấy bạn ạ!

    Trả lờiXóa
  9. Gauxx: Hì, đăng rồi em ạ! Trên một tờ báo hoành tráng hẳn hoi.

    Trả lờiXóa
  10. mooncakesg: Hà hà! Cám ơn em rất nhiều!

    Trả lờiXóa
  11. Titi: Bài này đăng báo rồi em ạ! Cũng được mọi người dành cho vài lời khen ngợi rồi em!

    Trả lờiXóa
  12. Lu: Anh đây! Anh đây! Sinh đúng ngày 30 tháng 7 đây! Cho anh thử đi!

    Trả lờiXóa
  13. Lana: Khi chưa có Cầu Chương Dương, mỗi lần qua cầu Long Biên là khổ lắm. Lâu ơi là lâu. Ngày trước thôi chứ bây giờ mà qua thì cả ngày tắc đường mất. Cầu Long Biên nhiều kỷ niệm lắm em ạ!

    Trả lờiXóa
  14. Đàm Hà Phú: Hì, ở trên anh đã nói rồi đấy. Bài đã được đăng báo rồi em ạ! Cám ơn em!

    Trả lờiXóa