Sinh cùng thời với Cột Cờ, Nhà Thờ, Nhà hát Lớn, Tháp tròn Hàng Đậu đã có tuổi gần một thế kỷ. Hơn 50 năm nay vẫn nằm im lìm trong rêu phong và hoang phế. Đã chẳng còn mấy người Hà Nội nhớ đến nó. Nếu may mắn được một ai đó nhắc tới, thì sự lầm lẫn đang phổ biến lại chỉ làm cho mọi người tăng thêm hoài nghi và ác cảm với nó mà thôi.
Tháp có chiều cao tương đương với tòa nhà 5 tầng, được xây bằng đá hộc xanh. Những cửa sổ nhỏ trông ra xung quanh có chấn song rất lớn, làm ta dễ liên tưởng tới lỗ châu mai của một lô cốt nào đó. Có thể vì lý do này mà hầu hết những người dân Hà Nội đều tưởng lầm tháp tròn chính là Bót Hàng Đậu thời thuộc Pháp. Thực ra không phải thế! Bên cạnh tòa tháp này, Pháp đã cho xây dựng một đồn Cẩm Tây khét tiếng gọi là Bót Hàng Đậu.
Cũng có thể vì thế, Tháp bị mọi người căm ghét một cách oan ức suốt mấy chục năm liền. Ngay bản thân tôi, từng sống bao nhiêu năm ở Hàng Than, cách chân tháp chưa đầy 30 mét, nhưng cũng chỉ gần đây thôi mới biết về sự lầm lẫn ấy. Bót Hàng Đậu, nơi bắt đầu mối tình éo le giữa bà Phó Đoan và chàng Xuân Tóc Đỏ không phải là tháp tròn. Nó được xây dựng ở cạnh đấy và đã bị phá bỏ sau ngày giải phóng Thủ đô ít lâu.
Khi công ty Daydé của Pháp bắt tay xây dựng cầu Long Biên năm 1898, thì cũng là lúc Công ty hỏa xa Vân Nam tiến hành làm cầu dẫn xe lửa. Tháp tròn Hàng Đậu được xây dựng đồng thời với đoạn cầu dẫn này. Bây giờ do cảnh quan đã bị che lấp bởi nhà cửa xây dựng trái phép nên chẳng mấy ai thấy hết được sự liên kết trong không gian kiến trúc đồng nhất giữa tháp tròn và cầu dẫn.
Ngày trước thì khác, du khách tới Hà Nội là gặp ngay hai công trình mang đậm màu sắc của lối kiến trúc Pháp cổ này. Tháp tròn được xây dựng theo mô hình của các tòa tháp phổ biến ở Pháp và một số nước Châu Âu ngày trước. Tường tháp bằng đá xanh, dày tới hàng mét, đủ sức chịu đựng cả sự công phá của đại bác. Bên trong tháp có cầu thang sắt chạy men theo tường lên tới tận nóc.
Vị trí và lối xây dựng tháp khiến người ta dễ nghĩ đây là một pháo đài quân sự dùng để bảo vệ Thủ đô. Tuy nhiên ngay từ buổi ban đầu, tháp tròn lại được sử dụng vào mục đích rất hiền lành: Nơi sản xuất và cung cấp nước nóng cho các hộ dân sang trọng, giàu có và đầy quyền lực ở các dãy phố Tây cạnh đấy.
Ở tầng trên cùng của tháp, người ta bố trí một nồi nước nóng vĩ đại. Chiếc nồi này đến tận bây giờ vẫn còn, mặc dù tháp đã bị bỏ hoang từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Những năm trước, đường dẫn vào tháp vẫn còn được mở. Các cặp tình nhân dùng tháp làm nơi tình tự. Lũ trẻ lang thang bụi đời vẫn chui vào ẩn náu mỗi khi hết tiền không còn biết bấu víu vào đâu. Sau này, người ta đã cho hàn kín các cửa, xây bịt lối vào nên chẳng mấy ai có dịp lên tới đỉnh tháp nữa. Nỗi hoài nghi về công dụng của tháp lại càng tăng thêm.
Theo một số cụ già am hiểu sống ở các phố xung quanh, thì nước ở nồi trên tháp được đun nóng bằng điện. Giả thuyết này có độ tin cậy hơn cả, vì Nhà máy điện Yên Phụ nằm ngay cạnh đấy. Dẫn nước nóng đến từng hộ quanh các phố Tây là cả một vấn đề phức tạp. Ống dẫn phải được bọc bằng chất cách nhiệt, chôn sâu dưới lòng đường.
Tôi có nghe kể rằng, hồi nguồn nước nóng ở tháp tròn còn hoạt động, lính Pháp và lính lê dương phải thường xuyên canh gác cẩn mật lắm. Khi Nhật-Pháp đánh nhau tranh giành địa vị thống trị Đông Dương, mấy ông quan Pháp thất thế. Nhà máy nước nóng ở tháp tròn ngừng hoạt động từ đấy.
Vậy là đã hơn 50 năm tháp tròn bị bỏ hoang không ai đoái hoài tới. Mừng là để chào đón Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Tháp đang được trùng tu một cách triệt để. Tôi đã có dịp nói chuyện với nhiều nhà nghiên cứu, nhiều bậc cao nhiên am hiểu về Hà Nội. Tất cả đều chung một quan điểm về Tháp tròn Hàng Đậu. Đó là công trình kiến trúc theo lối pháo đài Trung và Tây Âu cổ, song từ lâu đã mang đậm màu sắc Hà Nội, có thể sánh với Cột Cờ, Nhà Thờ, Nhà Chung, Nhà hát Lớn, cầu Long Biên... Tòa tháp, từ nhiều năm nay đã là một phần không thể thiếu của Thủ đô hôm nay.
Đường ống dẫn nước có từ khi xây dựng Tháp
Những dấu tích dang dở ngày nào
Xây dựng như một pháo đài thời Trung cổ
Lối vào như cửa vào một lô cốt
Từ lâu, cứ đi ngang di tích này là em chép miệng liên tục. ĐÁng lẽ, người ta phải trùng tu nó từ lâu để thành một điểm du lịch rất thú vị, hoặc ít nhất là một địa danh văn hóa sống động cho chính người thủ đô mới phải :-(
Trả lờiXóaHình như Cột Cờ xây dựng đầu thế kỷ 19 do triều đình phong kiến, thời đó Tây chưa vào VN. Còn tháp nước này người Pháp xây sau gần trăm năm lận mà, không cùng thời được.
Trả lờiXóaCái tháp này, lúc lơn tơn ở khu phố cổ em cũng ngạc nhiên tưởng nó là đồn trú lính gì đó. Về lượn web tìm hiểu thì mới biết nó chỉ là một tháp nước được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 của người Pháp.
Trả lờiXóaLí do xây dựng nên cũng ko có gì là mang tính serious chính trị hay lịch sử cả. Đơn giản là vì lúc đó dân tây sống ở Hanoi phải xử dụng nước giếng, có lần nạn dịch ô nhiểm nguồn nước làm tổng trú sứ Paul Bert mắc bệnh qua đời. Dân tây xây tháp chỉ để người tây được xài nguồn nước sạch, tránh dùng nước giếng, nhờ thế dân cư Việt ở 36 phố phường hưởng soái ké luôn nguồn nước.
Nó bị bỏ hoang vì sau đó người ta lập ra 2 nhà máy nước hiện đại hơn.
Nhớ chổ này lúc ra HN, có ông bạn đưa đến đứng...ngó, cũng giải thích loanh quanh, nhưng không cặn kẽ như anh.
Trả lờiXóaChết chết, kiểu này càng ngày càng mê HN rồi sao đây anh Thụy
Ôi nhờ mấy cái hình anh post ở đây em mới được 'ngó' bên trong Tháp đấy. Mỗi ngày em đi ngang qua Tháp ít nhất 2 lần (đường đi làm) mà chỉ thấy bên ngoài thôi.
Trả lờiXóaThêm tí: tháp nước này cung cấp nước sạch, khg phải nước nóng, chủ yếu cho khu thành(tứ giác L.N.Đế- PĐPhùng-H.Diệu-Đ.B.Phủ). Tháp do một bà thầu xây dựng, bằng đá lấy ra từ việc phá thành HD và cũng chính bà thầu này phá. May mà cái Cột Cờ không bị phá.
Trả lờiXóaCòn một tháp cấp nước thứ hai giống y chang tháp nước Hàng Đậu nằm trong khuôn viên cty cấp nước t/p.
Còn bót Hàng Đậu hồi nào giờ nằm sát cạnh tháp nước HĐ, ngay góc ngã tư ấy.
Titi: Tháp đang được sửa lại rồi đấy em! Đến dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long là OK đấy em ạ!
Trả lờiXóaĐỗ: Bác nói đúng đấy. Tôi đang tra lại xem chính xác thế nào. Tuy nhiên, chi tiết nước sạch không phải nước nóng thì hình như không hẳn thế. Khi viết bài này, tôi được cung cấp là nước nóng, đun từ than củi, cho mấy nhà quyền quý thôi.
Trả lờiXóaNhưng nói thật là tôi cũng không tin hẳn cái chi tiết đun nước nóng bằng than, củi bác ạ!
Lu: Chi tiết Paul Bert mặc bệnh từ nạn dịch ô nhiễm nguồn nước có chính xác không em? Anh mới biết đấy em ạ!
Trả lờiXóamooncakesg: Lần này, kỉ niệm ngàn năm, em ra Hà Nội đi!
Trả lờiXóaLana: Bên trong Tháp hay lắm! Có thời kỳ, các bác còn làm văn phòng của cái công ty gì ở đấy nữa cơ. Thấy kê bàn ghế, bàn đánh bóng bàn luôn.
Trả lờiXóaanh Thuy : Cuối thế kỷ XIX, dân số Hà Nội trong đó có một cộng đồng người Âu khá đông đảo đang đòi hỏi được cung cấp nước sạch, lại gặp mấy trận dịch nặng nề đến nỗi người đại diện cho nước Pháp đứng đầu ở xứ sở này là ông Tổng trú sứ Paul Bert cũng lâm bệnh mà chết, khiến người Pháp phải hoàn thiện hệ thống cấp nước sạch theo lối châu Âu, thay vì nguồn nước giếng, nước mưa hay nước ao, hồ đánh phèn theo kiểu dân gian.
Trả lờiXóaVì phải chịu tải trọng của một khối nước có dung tích tới 1.250 m3 nước (tương đương 1.250 tấn) chứa trong một bể bằng thép đặt ở trên cao (mép sát nóc 21m) nên toà nhà phải rất kiến cố với những bức tường đá xây theo vòng tròn, bức ngoài cùng có đuờng kính dài tới 19m và hệ thống tường chịu lực hỗ trợ, thông nhau bởi những vòm cửa. Đá tảng dùng để xây được lấy từ đá hộc dỡ của thành cổ do cô Tư Hồng thầu phá.
Chính nhờ những tháp nước này mà mộ bộ phận cư dân lớp trên được hưởng thụ “nước máy”. Nước từ độ cao của Tháp có áp lực chảy vào hệ thống đường ống dẫn, ban đầu chủ yếu tới những vòi nước máy công cộng đúc bằng gang đặt rải rác trên các đường phố, rồi dần dần vươn tới các công thự và nhà riêng.
Một thời gian dài, 2 tháp nước này đã đáp ứng về căn bản nhu cầu nước cho cư dân nội thành Hà Nội cho đến khi Hà Nội phát triển áp dụng những công nghệ mới, khiến 2 khối kiến trúc này không còn đảm nhiệm công năng ban đầu là tháp nước nữa. Riêng Tháp Hàng Đậu, do vị trí đắc địa của nó nên đến nay vẫn sừng sững như một nhân chứng già nua nhưng vẫn tạo nên ấn tượng về sự cổ xưa của Hà Nội.
Dương Trung Quốc
Nguồn này em đọc từ một trang báo mạng của bên nhà đó anh Thụy, tác giả là Dương Trung Quốc.
Bài viết nói đến 2 tháp nước nổi tiếng thời đó ở Hanoi lận, em đã cắt bớt phần nói về tháp Đồn Thủy nằm ở phố Đinh Công Tráng.
Trả lờiXóaLu: Bác Dương Trung Quốc là Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Tư liệu đáng tin cậy lắm đó. Cám ơn em!
Trả lờiXóaanh Thụy : ồ thế à, em đọc thấy cách viết và phân tích rất rõ ràng chuyên nghiệp, nên em cũng nghĩ người này có hiểu biết nhiều về nguồn gốc lịch sử.
Trả lờiXóaChẹp, lịch sử là môn khoái khẩu của em, lịch sử thế giới thì em có thể tự học ở trường, và thư viện cùng thầy cô bên đây. Chỉ có điều lịch sử nhà thì có những thứ em muốn biết mà ko biết nơi nào đáng tin cậy cho em lấy nguồn cả. Chỉ riêng cái vụ kiến trúc chùa chiền, về việc tại sao người ta lại treo cái bảng Đại Thư trước mỗi cổng chùa? ý nghĩa của nó? mà em đã hỏi vài người chuyên về sử nhà thì chẳng thấy trả lời được gì cả.
Tìm mua sách thì cũng ko thấy toàn là sách tình củm vớ vẫn bày bán đầy nhà sách bên nhà thôi. Thư viện Mỹ thì trường em chưa có nhiều đầu sách về sử VN.
Cảm ơn anh Th. Đúng là em cứ tưởng đó là bót HĐ cơ đấy. Mà chắc chắn bây giờ nhiều, nhiều người tưởng thế. Anh thử đi đến gần đó hỏi đường mà xem, người ta sẽ chỉ, đó, đi đến Bốt HĐ rồi rẽ phải, rẽ trái... Bốt hẳn hoi nhé, ko phải bót.
Trả lờiXóaHy vọng Đại lễ này được thăm bên trong tháp.
Tập phim về Tháp nước này trong seri Ký sự Thăng Long cũng là một trong những tập phim được khen hay đấy anh ạ!
Trả lờiXóaNadia: Làm thế nào cắt được một đoạn đưa lên đây em nhỉ?
Trả lờiXóa