Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2010

BÍ ẨN VẠN HOA



Nếu tin vào tử vi, thì trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng hai lần gặp “đại may”. Chỉ có điều, mức độ “đại may” đối với mỗi người khác nhau nhiều lắm. Người may mắn nhiều, kẻ may mắn ít. Song, sự may mắn ở mức độ lớn khủng khiếp lại rơi vào một người dân thuộc tầng lớp nghèo khó nhất của xã hội, để nhờ đó, họ đủ sức làm những việc “đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”, thì quả thực, phải hàng trăm năm mới xảy ra một lần.

Hôm nay, tôi sẽ kể cho các bạn nghe về một trong những sự may mắn ấy. Câu chuyện về một người phụ nữ bán hàng xén trúng giải độc đắc xổ số Đông Dương hồi đầu thế kỷ, đã xây lâu đài Vạn Hoa và chuyện tình của cô với một kiến trúc sư người Pháp, tác giả của toà lâu đài đó.

1

Suốt mấy chục năm liền, lâu đài Vạn Hoa bị chìm vào quên lãng, đến nỗi bãi biển Đồ Sơn, vốn chẳng xa lạ gì với người dân Việt Nam, nhưng lâu đài Vạn Hoa thì chẳng mấy người được đặt chân tới, mặc dù về mặt hành chính, từ trước tới giờ, nó vẫn thuộc quyền quản lý của huyện biển Đồ Sơn. Bãi biển Đồ Sơn có 3 khu. Thời còn bao cấp, khu 1 là khu nhân dân, ai vào tắm cũng được. Khu 2 là khu cán bộ, công nhân viên. Còn khu 3 chỉ dành phục vụ cán bộ trung cấp trở lên. Dân thường, dù có lắm tiền nhiều của cũng chỉ dài cổ đứng ngoài mà ngóng. Vì vậy, khu 3, nơi có lâu đài Vạn Hoa đã xa vắng lại càng thêm thưa thớt người qua lại.

Từ khu 3, men theo sườn núi, đi tiếp khoảng gần 2 km nữa, bạn sẽ tới mỏm cuối cùng của bán đảo Đồ Sơn. Trên đỉnh núi, gần sát mép bờ biển có một toà lâu đài kiến trúc theo kiểu gotique với những mái chóp nhọn. Tòa lâu đài lớn, cực đẹp và kiến trúc không hề bị lạc hậu cho đến tận bây giờ. Đó chính là lâu đài Vạn Hoa. Vạn Hoa có một sàn nhảy ngoài trời được coi là duy nhất và đẹp nhất Đông Dương thời Pháp. Nằm trên đỉnh núi cao, mặt trông ra Hòn Dấu mờ xa, sau lưng là sóng biển vỗ ì oạp quanh năm, Vạn Hoa trong nhiều năm liền được giới ăn chơi thời thuộc Pháp coi là chốn “Bồng lai tiên cảnh”.

Vậy mà, toà lâu đài ấy lại do một phụ nữ hàng xén, quanh năm buôn thúng bán bưng ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng bỏ tiền xây nên. Cô đã làm việc đó sau một lần “đại may” được Thần May Mắn mỉm cười. Cô trúng giải độc đắc xổ số Đông Dương những năm hai mươi của thế kỷ trước. Lúc ấy, khi người ta còn tiêu tiền “xèng”, thì cô đã có trong tay một gia tài tới 10 vạn đồng!


2


Vào khoảng những năm 20, người Pháp ở Việt Nam tổ chức giải xổ số Đông Dương, có bán vé số rộng rãi ở cả 3 quốc gia Việt, Miên, Lào. Xổ số nửa năm mới xổ một lần. Giải độc đắc lớn khủng khiếp, mà theo lời các cụ già kể lại, thì người trúng giải còn bị giam, bị dậm dọa suốt thời gian cả tháng trời cho hết cơn sốc rồi mới được lĩnh thưởng. Lĩnh thưởng xong, người ta còn tổ chức cả đội bảo vệ, người cố vấn... hưởng lương Nhà nước để bảo vệ và giúp người đoạt giải cách... tiêu tiền.

Năm ấy, vào khoảng năm 1926, 1927 gì đó, một đợt vé số Đông Dưong được bán tại Hải Phòng. Cô Trần Thị Bé, người huyện Thuỷ Nguyên, thường đi bán hàng xén ở chợ huyện, do vui bạn bè, đã mua hú họa một tấm vé số. Không ngờ tấm vé ấy lại trúng giải độc đắc 10 vạn đồng. Khi người ta còn đang tiêu tiền ở đơn vị “xèng”, thì gia tài 10 vạn đồng rơi vào tay chẳng khác nào một tiếng sét nổ bên tai và lẽ tất nhiên nó làm cho cuộc sống của cô Bé đảo lộn hoàn toàn. Cô bất lực vì vừa phải giữ của, lại vừa chẳng biết tiêu tiền cách nào cho có lý. Cô đã giúp đỡ anh em, bà con họ hàng, làng xóm, cúng chùa, phát chẩn... mà vẫn không sao hết nổi một ngàn đồng.

Vốn là một cô gái nông thôn xinh đẹp, giờ lại quá giàu có, cuộc sống của cô Bé như một ốc đảo giữa sa mạc mênh mông. Cô không thể lấy được ai làm chồng. Lớp con quan lại bù nhìn coi thường gốc gác nông dân của cô, lại sợ mang tiếng ham tiền mà lấy người, nên không một ai ngỏ ý. Các chàng trai ở cùng quê thì nhìn cô như nhìn người Nhà trời, cho kẹo cũng chẳng anh nào dám bén mảng. Bi kịch có thể đã diễn ra, nếu cô không tiếp tục gặp đại may một lần nữa.

3


Trong tốp kiến trúc sư thiết kế và chỉ đạo thi công Nhà hát lớn Hà Nội, khánh thành năm 1911, có một chàng kiến trúc sư trẻ tuổi, khi đọc thấy có bài viết về cô Bé đã chủ động viết thư cầu hôn với cô. Bức thư khẳng định rằng, ngoài việc lấy anh ta, cô Bé sẽ không thể lấy được ai làm chồng tốt hơn. Anh ta nói mình đủ giàu để lấy cô Bé mà không ai nghĩ là anh ta vì tiền, đồng thời cũng đủ tài để giúp cô sử dụng khoản tiền thưởng ấy một cách có ý nghĩa nhất, trước tiên là vì dân Hải Phòng, sau đấy là vì cả nước Việt Nam. Gia đình cô Bé đã cân nhắc rất nhiều lời cầu hôn kiểu “Tây” ấy và cuối cùng đã đồng ý. Lâu dài Vạn Hoa được ra đời chính bắt là nguồn từ cuộc nhân duyên này.

Sau khi cưới nhau xong, giữ đúng lời hứa trong thư cầu hôn, chàng kiến trúc sư đã góp ý với cô Bé rằng phải xây một toà lâu đài thượng hạng, tại một nơi nào đó ngay tại Hải Phòng. Toà lâu đài sẽ làm cho người Hải Phòng không bao giờ quên tên tuổi cô, đồng thời cũng là một món quà có ý nghĩa với thành phố sau nhiều năm nữa. Hơn thế, nó còn là nơi tụ hội để từ đó làm bước tiến cho cô Bé, trên con đường hoà nhập vào cộng đồng chính khách, quan lại Việt Nam thời bấy giờ. Được vợ đồng ý, chàng kiến trúc sư người Pháp đã hoàn chỉnh bản vẽ thiết kế và sau nhiều tháng tìm địa điểm xây dựng, hai vợ chồng đã nhất trí chọn mảnh đất cuối cùng của bán đảo Đồ Sơn để xây lâu đài.

Vạn Hoa xây dựng xong vào khoảng đầu những năm 30. Khi khánh thành, có mặt đầy đủ các viên chức cao cấp trong Phủ Toàn quyền của Pháp, vua Bảo Đại và hầu như tất cả quan chức bù nhìn đầu tỉnh. Hai vợ chồng cô Bé đã ở toà lâu đài này cho đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Khi chính quyền Hải Phòng thuộc về tay cách mạng, cả hai vợ chồng đã vội vã rời khỏi toà lâu đài và lên tàu về Pháp. Trước khi đi cô Bé đã để lại toàn bộ hồ sơ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu của mình và viết giấy trao lại toà lâu đài cho ông Nguyễn Văn Cảnh là cháu ruột của mình. Tôi có may mắn được biết câu chuyện trên là do một người bạn ở Hải Phòng, đã từng thụ lý những giấy tờ này kể lại.

Nếu có dịp tới Đồ Sơn, các bạn đừng bỏ qua cơ hội thăm lâu đài Vạn Hoa nổi tiếng. Đặt chân tới đây, xin bạn hãy nhớ tới câu chuyện một người phụ nữ nông thôn, có số phận cực kỳ may mắn, đã bỏ một khoản tiền khổng lồ xây dựng tòa lâu đài này. Hãy làm một việc gì đó có lợi cho mọi người khi bạn gặp may mắn, bởi lẽ lời dạy “lộc bất tận hưởng” của cha ông ta vốn chẳng bao giờ được xem là xưa cũ.






33 nhận xét:

  1. Ồ, em đến ĐS mấy lần mà chả được vào đây. Chiệp! Không biết số phận bà chủ Vạn Hoa một thời nay như nào anh nhỉ ?

    Trả lờiXóa
  2. Trời trời, câu chuyện hay mà anh Thụy kể cũng hay quá đi, anh Thụy không kể là em chả biết gì.

    Trả lờiXóa
  3. Câu chuyện của anh hay quá anh ơi.
    Giải độc đắc của Nhà nước Việt Nam đủ xây lâu đài Bách Hoa không anh? Bách Hoa thì chỉ có chú rể Tàu là hay xây thôi anh nhỉ?
    Hic.

    Trả lờiXóa
  4. Câu chuyện thật hay. Có dịp em sẽ thăm lâu đài này

    Trả lờiXóa
  5. Hồi xa xưa cái nhà này chưa cho thuê làm sòng bạc em có vào bên trong òi nhưng hồi ấy bé tý có bít đấy là lâu đài đâu, mang máng là bên trong cũng không có gì đặc biệt.

    Trả lờiXóa
  6. Em có nghe qua câu chuyện này vì bà ngoại em là người Kiến An-Hải Phòng.

    @NLVD
    Ôi, đa phần bên trong các tòa lâu đài nhìn chán lắm nàng ơi, hay tại vì mình không am hiểu các giá trị cổ ??? ở nước ngoài mình ít khi đi vô trong lâu đài để xem vì thứ nhất bên trong chả có gì đặc biệt (theo ý kiến riêng của mình)
    thứ nhì mỗi khi vô là cảm thấy ngột ngạt, chóng mặt...
    thứ ba : sao mình cứ có cảm tưởng ai đó đi rón rén đằng sau lưng, nhưng không sợ đâu nhé, chỉ muốn...bắt tay cái cho vui.

    Trả lờiXóa
  7. Dạo này anh có nhiều bài nói về chuyện xưa hay thế!

    Trả lờiXóa
  8. Em sẽ đi tới xem bên trong như thế nào, hơi bị hiếu kỳ à nhe...cái gì xưa thì dụ được em ;))

    Trả lờiXóa
  9. Ôi em vừa đến khu III Đồ Sơn hôm nọ. Giá như đọc được bài của anh trước thì nhất định sẽ tìm đến thăm lâu đài. Tiếc quá.

    Trả lờiXóa
  10. @Anh Thụy: chuyện hay lắm, 2 bài gần đây bác post đều rất chất lượng, bravo bác. Lúc nào tình iu tình báo thì vui hết mình cà tưng, lúc nào nghiêm thì rất là nhiều thông tin. Em hâm mộ bác là phải :-D

    @HPLT: oài, có gốc Bắc, hẳn nào, gái Bắc mới có khuôn mặt í chứ lị :-P

    Trả lờiXóa
  11. Lâu đài bây giờ là sòng bài đúng ko bác Thụy?

    Trả lờiXóa
  12. Titi: Sau ngày sang Pháp, không còn tin tức gì. Nhưng anh nghĩ, họ hàng nhà bà ấy thì chắc biết rõ. Em nhớ là chuyện anh kể là theo lời dẫn của một người, dù là ở cương vị khá cao ở HP, nhưng vẫn còn vài điểm anh chưa hỏi được. Ví dụ: Cái bến tàu được xây dở dang từ ngày ấy là ai xây? Vì sao phải bỏ dở?

    Trả lờiXóa
  13. NLVD: Chuyện này cũng khá nhiều người biết mà em! Nhưng có thể là biết không đầy đủ và chi tiết thôi.

    Trả lờiXóa
  14. Vhlinh: Giải độc đắc của mình nhỏ quá. Có lẽ vì ngày nào cũng mở nên nó mới thế.

    Trả lờiXóa
  15. Đàm Hà Phú: Phú nên đến thăm. Giờ nó là Casino Đồ Sơn đấy. Nhưng giờ thì Casino cũng đóng cửa rồi. Không có khách!

    Trả lờiXóa
  16. Hạnh Phúc Lang Thang: Có một cái tổng kết như thế này: Các tòa lâu đài thường mang đến cho chủ những kết thúc không có hậu, hay ít ra là cũng không như mong muốn. Còn lâu đài có ma thì nhiều lắm! Hic

    Trả lờiXóa
  17. Lu: Bài này anh có lâu rồi mà. Em nên đến, thú vị lắm. Nếu ra được Đảo Dấu thì còn hay nữa. Ở Khu 3 có lâu đài Bảo Đại nữa.

    Trả lờiXóa
  18. Lana: Sao em không vào Casino Đồ Sơn. Vạn Hoa chính là nó đấy!

    Trả lờiXóa
  19. Gauxx: Hì, cám ơn lời khen của em. Anh sợ bài này dài quá, đọc ngại. May mà có em cổ động! Hì

    Trả lờiXóa
  20. Bài hay lắm anh Thụy à, giàu thông tin và giàu cả chân lý.

    Trả lờiXóa
  21. @ HPLT: Chị ơi em sinh ra và lớn lên ở Kiến An đấy, cách cái nhà Casino trên kia 20 km, có điều 2 đời nữa em chẳng thể nào có cô cháu gái xinh hơn cả hoa hậu vậy, hic hic. Em đoán nhé, bà ngoại chị vô Nam lâu rồi, mẹ chị là người Nam, chị cũng người Nam luôn, lúc nào chị kể về bà ngoại và mẹ chị nhé, chắc hẳn họ là những người phụ nữ cực kỳ thông minh và vô cùng xinh đẹp.

    @ Cả nhà: A Thụy nói chuyện này nhiều người biết làm em xấu hổ cực kỳ, mà cũng do cách làm du lịch của ngoài Bắc rất là kém, em cam đoan ở tòa nhà này không có một tấm bảng ghi nguồn gốc xuất xứ gì hết. Mà dùng từ "lâu đài" có đúng không anh Thụy ơi, hay chỉ là biệt thự thôi ạ? Tòa nhà này có tầng hầm, toàn bộ tầng một là một phòng rộng lớn có các cột trụ và các cửa, rất nhiều cửa hướng ra biển và tầng một đi thẳng ra một sân thượng cũng rất rộng nhìn ra đảo hòn Dấu. Hồi bao cấp ở tầng một để lèo tèo một hai tủ kính bán mấy con ốc biển, nhân dân đến trải áo mưa giở cơm nắm muối vừng với nước đựng trong bi đông mang ở nhà đi ngồi thoải mái ở các góc, kiểu như ngồi chiếu thuê ở chùa Hương bây giờ í. Đến khoảng đầu những năm 90 em nhớ không chính xác lắm cho bọn Taiwan thuê làm sòng bài hình như người Việt không được vào vì vé vào cửa 100 đô vào làm gì, nếu có thẻ hướng dẫn viên du lịch đi cùng khách thì được vào. Hồi ấy con em nhân dân mà đi làm chân chia bài ở Casino này là thu nhập cao lắm.
    Họ cho thuê như thế coi như từ đó ở Đồ Sơn mất đi một khu đẹp nhất, cảnh đẹp thật nhưng đi lên đây không có chỗ ngồi không có chỗ vào lên làm gì. Mà thiệt tình em vẫn nghĩ cảnh ở Đồ Sơn đâu đến nỗi hi hi.

    Trả lờiXóa
  22. À, Lu dìa Việt Nam có nhu cầu thì mình dẫn Lu đến chỗ này chơi.

    Trả lờiXóa
  23. Mỗi một nơi chốn luôn gắn liền với những câu chuyện anh nhỉ. Những câu chuyện ý nghĩa làm cho nơi ấy bỗng trở nên có hồn đến lạ...Anh viết còn hay hơn đọc các bài trên báo nữa.

    Trả lờiXóa
  24. Oh thê ạ? chính là cái casino - giờ em nhớ lại nhìn từ bên ngoài cái casino ấy nhìn đúng như tòa lâu đài thật, đến nỗi một người trong đoàn em lại tưởng đó là nhà Bảo Đại.

    Nhưng nếu thế thì casino (LĐ Vạn Hoa) đang bị bỏ hoang anh ạ. Casino đóng cửa mà. Thế nên tụi em không vào xem nữa (mà cũng ko biết có cho khách vào xem ko nhỉ).

    Trả lờiXóa
  25. Mai: Cám ơn lời khen của em nhé! Lâu lắm rồi, anh mới thấy em trở lại blog của anh.

    Trả lờiXóa
  26. NLVD: Đúng rồi em! Đấy là Casino Đồ Sơn đấy! Vụ xây cái này, anh còn làm ở Báo Lao Động và có đi tìm hiểu viết bài. Nhiều chuyện hay lắm!

    Trả lờiXóa
  27. mooncakesg: Em quá khen! Hì! Anh rất vui vì em đã đọc và thích thú bài này.

    Trả lờiXóa
  28. Lana: Nhiều người nhầm lâu đài Vạn Hoa với Biệt thự của Bảo Đại. Thực ra là 2 cái khác hẳn nhau. Casino đóng cửa rồi em. Nghe đâu vì không có khách. Dự án này, đi liền với nó phải là một cầu cảng ngay phía dưới, để khách chơi bạc từ Ma Cao và Hongkong sang. Tuy nhiên, không hiểu sao phần tiếp theo lại không làm được. Thế là không có khách!

    Trả lờiXóa
  29. Em đi vắng ạnh ạ, túi bụi khi mới về và giờ mới đang đọc bù :)

    Trả lờiXóa
  30. Được đọc, biết về câu chuyện này, thích thú thật. Nếu ra tới Đồ Sơn, chắc chắn em sẽ tìm đến đây.

    --------"Có một cái tổng kết như thế này: Các tòa lâu đài thường mang đến cho chủ những kết thúc không có hậu, hay ít ra là cũng không như mong muốn."---> sao lại như vậy anh nhỉ!

    Trả lờiXóa
  31. Lê Khánh Bảo Quyên: Bạn nên ra tận nơi. Hay lắm!
    À, bạn xem truyện của Alecxand Duma đi. Có chuyện về những tòa lâu đài đấy. Sợ lắm! Chắc phải có cái tổng kết nào đó.

    Trả lờiXóa