Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2010

LỜI HỨA BỊ BỎ QUÊN



Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.

Anh chị sống với nhau đã được gần 15 năm. Hai vợ chồng cùng làm công nhân một nhà máy dệt. Chị công nhân đứng máy sợi. Anh lái xe tải. Hai cô con gái xinh đều đã trên 10 tuổi. Cuộc sống khó khăn nhưng là cái khó khăn chung của toàn xã hội. Anh chị tạm hài lòng. Chỉ bức bối nhất không có một mụn con trai và gia cảnh không có gì được coi là của để dành.

Có lần anh bảo chị: “Vợ chồng mình có hai đứa, đều là con gái. Gì thì gì, chúng cũng về nhà chồng cả. Rốt cuộc, về già, chỉ anh với em là sống với nhau thôi. Vì thế, anh định hay là đi xuất khẩu lao động. Vất vả dăm ba năm, nhưng tích lũy được một món kha khá. Cũng là có cái bảo hiểm cho vợ chồng mình lúc già cả”.

Chị lo lắm. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy anh nói cũng đúng. Chị gật đầu đồng ý. Gặp lúc nhà máy có chỉ tiêu đi Nga, anh làm đơn. Qua vài vòng tuyển chọn lấy lệ, anh khoác ba-lô lên đường vào lúc tuổi đã xấp xỉ bốn chục. Phút chia tay ở sân bay thật buồn. Nhưng anh chị tự an ủi, thôi thì chịu khó dăm ba năm. Vất vả cũng đành.


1


Sang Nga, anh vẫn theo nghiệp cũ, được bố trí lái xe tải cho nhà máy. Công việc cũng tàm tạm. Lương lậu chi tiêu xong, cũng dành dụm được ít nhiều. Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Đã gần 3 năm từ ngày xa gia đình. Nhiều lúc nhớ nhà, nhớ vợ con thắt ruột.


Buổi tối một ngày cuối tuần năm ấy


Anh đến dự một bữa cơm thân mật được nhóm những người xa quê tổ chức. Trong bữa cơm ấy, anh làm quen với một người phụ nữ cũng sang lao động như anh, cũng đang ở một mình. Hoàn cảnh đơn côi khiến họ nhanh chóng trở nên đồng cảm và thân thiết.


Sáu tháng sau, họ dọn về ở với nhau như vợ chồng. Từ bấy, anh cũng dần dần thôi không liên hệ với vợ và hai cô con gái ở nhà nữa. Cả hai bắt đầu cuộc sống mới. Họ có 2 cô con gái với nhau. Hoàn cảnh của họ ở Nga cũng chật vật chứ chẳng dễ chịu gì.


2


Qua những nguồn thông tin khác nhau, ba mẹ con chị biết được anh đã có người khác, đã sống như vợ chồng, đã có con với người ta và yên phận. Ở nhà, ba mẹ con thôi không trông chờ gì nữa. Cả ba cùng phấn đấu nỗ lực cải thiện cuộc sống của mình.


Hai cô con gái lớn lấy chồng, có con. Chị đã lên chức bà ngoại. Về nghỉ hưu, chị kiếm thêm việc làm tạp vụ ở một công ty nhỏ. Công việc cho chị thêm thu nhập và cũng thêm nhiều niềm vui. Cuộc sống tùng tiệm, dễ chịu. Có thêm đồng ra đồng vào thỉnh thoảng làm quà cho cháu ngoại.


Cuộc sống của anh ở Nga lại đi theo một chiều hướng khác. Càng sống với nhau, càng không vui. Phần do hai bên gá dựa vào nhau mà thành chứ có là vợ chồng gì đâu. Phần do văn hóa ít nhiều ảnh hưởng đến tư duy của cả hai. Anh đã gần 60 tuổi, cái tuổi bắt đầu khó tính, cáu bẳn và thèm khát hơi thở của một gia đình êm ấm, xum vầy.


Một ngày kia


Anh quyết định trở về. Chia tay người vợ không chính thức và hai cô con gái ở Nga, anh quay về Việt Nam mà không hẹn ngày tái ngộ. Cả hai bên đều hiểu vấn đề và họ cố gắng không nói đến điều không nên nói.


Trở lại căn hộ nhỏ ngày nào, lòng anh buồn tê tái. Khung cảnh vẫn thế, căn hộ từ hai mươi năm trước, giờ cũng vẫn vậy. Chỉ có con người là thay đổi. Hai mươi năm trước, chị còn là một người phụ nữ đang tuổi hồi xuân phơi phới, giờ đã là bà ngoại. Tóc chị đã bạc vài phần. Vẻ lam lũ hiện rõ trên từng nếp nhăn. Anh nhìn chị xót xa, cay đắng và bỗng thấy trái tim mình như bị một bàn tay vô hình bóp nghẹt.


Ba mẹ con, hai chàng rể và ba đứa cháu ngoại đón anh, dù có đôi chút gượng gạo, nhưng đầy cảm thông và chia sẻ. Sau bữa cơm thân mật. Ai về nhà ấy. Anh chị, giờ đã là ông bà, lại ở với nhau trong căn hộ mà từ hơn 20 năm trước họ đã từng chung sống.


Ngày ngày, chị vẫn đi làm thêm. Anh ở nhà một mình. Chút gượng gạo ban đầu ngày càng lớn, thành cái khoảng cách vô hình đẩy họ ra xa nhau hơn. Cảm giác là người thừa trong anh khiến anh không chịu nổi.


Sau nhiều ngày suy nghĩ, nhiều đêm trặn trọc, sáng hôm ấy, anh nói với chị: “Tôi đi mấy chục năm, cũng chẳng có gì nhiều. Dành dụm được vài chục ngàn, giờ bà giữ lấy. Cần gì thuốc thang lúc ốm đau bệnh tật, có việc gì khẩn cấp bà cứ dùng. Tôi tính đi chuyến nữa. Lần này chí thú làm ăn, vài năm tôi về, vợ chồng mình cũng có ít nhiều cho tuổi già”.


3


Phút lưu luyến, bùi ngùi ở sân bay rồi cũng qua đi. Lúc lên máy bay, một mình ngồi cô đơn trong khoang ghế, anh chợt thấy nghẹn đắng khi liên tưởng đến khung cảnh này của 20 năm về trước. Cũng vẫn một mình, cũng vẫn là chuyến đi lo cho tuổi già của hai vợ chồng. Nhưng lần này có gì đó khác xa lần trước. Gánh nặng trong lòng thì vẫn nặng trĩu nhưng sự hồ hởi thì đã mất từ lâu.


Bất giác, anh đưa mắt ra khung cửa số nhỏ, nhìn xuống mặt đất quê hương đang ngút ngát xa dần. Anh thấy mình muốn khóc mà không sao khóc được. “Bốn mươi cất bước ra đi. Than thân rằng thuở đương thì chẳng lo”. Hai mươi năm trước, nghĩ về câu ca của tiền nhân, anh thấy đầu môi mình đắng ngắt. Hai mươi năm sau, vẫn câu ca ấy, anh dường như không thấy mình có cảm xúc gì nữa. Lòng người đã chai sạn, con tim đã khô cằn.


Chỉ còn duy nhất trong anh một lời hứa. Nhớ đến nó, anh nắm chặt hai bàn tay và ngẩng đầu. Không hiểu sao, anh chợt mỉm cười. Đã từ rất lâu, từ lâu lắm rồi, anh mới lại nhớ rằng mình có một lời hứa.





37 nhận xét:

  1. Anh viết bao giờ cũng "có hậu" :)

    Trả lờiXóa
  2. Chuyện hay anh ạ. Người đàn ông sớm muộn thì cũng đi thôi, không phải vì cảm giác người thừa, mà cuộc sống ở chốn cũ đã trở nên quá xa lạ với ông. Em biết rất nhiều người đi lao động xuất khẩu, cuộc sống ở nơi đất khách quê người chẳng sung sướng gì, nhưng chỉ trở về VN một thời gian là hầu hết họ đều quay trở lại.

    Trả lờiXóa
  3. đọc xong 1 lúc rồi mà vẫn nằng nặng, em cũng biết 1 gia đình như thế. Ông chồng vẫn quay trở lại Đức, dù bên đó ông cũng chỉ đi làm nhà hàng và sống 1 mình.

    Trả lờiXóa
  4. Câu chuyện hay anh ạ. Qủa thật khi không còn quen với những việc đã diễn ra trong quá khứ, giải pháp tốt nhất là nên xa nó.

    Trả lờiXóa
  5. 2 đất nước khác nhau, 2 cuộc sống, 2 văn hóa, 20 năm là quãng thời gian quá dài đủ để người ta khó thích nghi ngược trở lại.

    Người ngoài khó nói quyết định đó là đúng hay sai, hay hay dở. Người trong cuộc quyết định cuộc sống của mình và hưởng/ chịu nó, đúng không anh?

    Trả lờiXóa
  6. Ồ em định nói 'khó thích nghi ngược trở lại khi không có những tình cảm đủ lớn'.

    Trả lờiXóa
  7. Em chả đồng cảm nổi người bố bỏ con như thế, bỏ những 2 lần, bó tay!

    Trả lờiXóa
  8. Em cũng như Dứa, thấy hơi lợn cợn với những người đàn ông bỏ vợ bỏ con, lại hai lần như vậy...
    Kết cuộc đó buồn, nhưng âu cũng là hợp lý.

    Trả lờiXóa
  9. Lỡ đã "quên" lời hứa 1 lần rồi, không biết lần này có "nhớ" nổi không nhỉ????

    Trả lờiXóa
  10. Ồ, nhớ để quên, quên để nhớ - hết một kiếp người :-D

    Trả lờiXóa
  11. Em độc thân nên chẳng biết còm như thế nào cả.
    Ngoài viết báo, em thấy bác viết văn cũng hay ra phết.

    Trả lờiXóa
  12. sao ông này toàn sinh con gái vậy anh? hây zà....

    Trả lờiXóa
  13. haukhaoco: Bởi vì tôi thích hậu cho nên mới kết có hậu mà. Hì! Nhưng đúng là câu chuyện kết thúc như thế thật đấy bạn ạ!

    Trả lờiXóa
  14. VMC: Anh cũng có cô em ruột chị. Cô ấy ở Đức đã 21 năm nay. Giờ 2 vợ chồng muốn về lắm rồi, nhưng chỉ chưa dám về, vì không biết làm gì đấy em ạ!

    Trả lờiXóa
  15. Mecghi: Đây là câu chuyện về một chị làm tạp vụ ở Công ty em ạ! Đúng là buồn và nằng nặng. Thương hết cả những người trong cuộc nữa!

    Trả lờiXóa
  16. Võ Chí: Buồn nhất là xa mà chưa biết đến bao giờ gặp lại em ạ!

    Trả lờiXóa
  17. Lana: Đúng thế! Mà ở tuổi ấy, khó mà có thể có một tình yêu đủ lớn em ạ!

    Trả lờiXóa
  18. Dứa: Có nên khắt khe quá thế không hả em?

    Trả lờiXóa
  19. mooncakesg: Nói thế nào nhỉ? Anh là người biết chuyện, nên đúng ra là rất thương cái gia đình này.

    Trả lờiXóa
  20. Dã Quỳ: Có lẽ không em ạ! Kỳ này bác ấy quyết tâm lắm mà!

    Trả lờiXóa
  21. Titi: Nghe em comt, thê thảm quá. Hic!

    Trả lờiXóa
  22. HwoangNguyen: Bài này là một câu chuyện thật mà HN?

    Trả lờiXóa
  23. Gauxx: Ừ nhỉ? Bố này cả 4 cô con gái luôn. Tứ nữ bất bần, mà sao bố này chưa giàu nhỉ?

    Trả lờiXóa
  24. gần 60 mà còn ra đi thì đó là 1 quyết định sai lầm,sang lại đâu dễ làm ăn ,làm thuê cũng khó .Có rất nhiều người như người đàn ông này,sang Tây cô đơn kiểu gì cũng cặp bồ và thường là quên luôn vợ con.Nên chị em hoặc anh em đừng có dại để vợ,chồng mình đi như thế.Có câu"có chồng(vợ) mà để đi Tây
    Như xe không khoá để ngay bờ Hồ"

    Trả lờiXóa
  25. Nặc Danh: Câu này thời bao cấp hay dùng lắm. Giờ vẫn dùng hả bạn?

    Trả lờiXóa
  26. Cảm ơn anh đã cho ý kiến rất đúng với tâm trạng của em. Dù muốn dù không, bất kỳ sự ra đi, chia xa nào cũng làm người ở lại nặng lòng, dù không nói ra. Em rất ghét cảm giác ấy, nó nhẫn tâm lắm anh ạ.

    Trả lờiXóa
  27. chuyện hay chú ạ. Cám ơn chú!

    Trả lờiXóa
  28. Kết thúc có hậu nhưng cứ man mác thế nào ý nhỉ?

    Trả lờiXóa
  29. À bác Thụy!
    Lần trước bác thất hứa với em đấy nhé! Chắc phải phạt bác một chầu cà phê thôi, he he. :D

    Trả lờiXóa
  30. Anh Thụy ơi em nói 'tình cảm đủ lớn' đấy nhá, không bắt buộc phải là tình yêu.

    (t/c với gia đình, cha mẹ, với con, t/c với mảnh đất sinh ra... nhiều khi cũng có thể là lý do khiến người ta chọn một nơi chốn để ở những năm cuối đời).

    Trả lờiXóa
  31. dr_son: Cám ơn bạn! Bạn ghé thường xuyên nhé!

    Trả lờiXóa
  32. HwoangNguyen: Phạt một chầu cafe thì quá đơn giản mà HN!

    Trả lờiXóa
  33. Lana: Anh hiểu mà! Ở tuổi gần 60, ai nói gì đến tình yêu nữa, đúng không em?

    Trả lờiXóa
  34. Võ Chí: Có câu của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam: "Chia tay thì bao giờ cũng buồn, nhưng buồn nhất vẫn là người ở lại".

    Trả lờiXóa
  35. Em có biết một gia đình như thế, nhưng khác biệt là hai vợ chồng này có tới 4 đứa con trai. Hy vọng rồi thất vọng khi chồng có vợ khác nên người vợ & cả 4 đứa con đều lở dở cuộc đời. Em có biết tâm trạng cay đắng của người vợ chứ không biết tới tâm trạng khổ sở của người chồng ngày họ trùng phùng. Giờ thấy thông cảm với người chồng hơn...

    Trả lờiXóa
  36. Minh Xuân: Mỗi cuộc chia tay, ngày gặp lại đều khiến cả người có lỗi và người bị nạn đều dễ xúc động, bồi hồi. A biết gia đình này. Về cơ bản, câu chuyện là như vậy. Bác trai giờ lại sang lại Nga. Buồn. Nhưng còn một ngày hy vọng tốt hơn!

    Trả lờiXóa