Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2010

CUỘC GẶP 20 NĂM



Gần 20 năm trước

Vừa 21 tuổi, chị đưa bạn trai về nhà giới thiệu với gia đình. Chỉ vừa tiễn bạn về, quay vào nhà, chị đã bị bố mẹ phản đối dữ dội. Không khí gia đình càng căng thẳng hơn khi chị bày tỏ mong muốn được kết hôn cùng anh. Những ngày tiếp theo, nhà như có đám. Bố chị cương quyết không chấp nhận. Ông ra tối hậu thư: Hoặc là bố mẹ, hoặc là thằng ấy!

Chị đã yêu, và với chị, đã yêu là không thể thay đổi được. Gạt nước mắt, chị tạ tội với bố mẹ rồi rời khỏi nhà mà không hy vọng có một ngày nào được quay lại nữa.

Vài tháng sau, anh chị kết hôn. Nhà anh nghèo nhưng cũng không đến nỗi quá tệ. Bố mẹ chồng nhường lại cho anh chị căn hộ tập thể vốn là tiêu chuẩn mấy chục năm công tác của ông bà. Những ngày đầu tiên, hai vợ chồng sống với nhau thật hạnh phúc. Gần 2 năm sau, đứa con trai đầu lòng ra đời trong niềm hân hoan vô bờ bến của ông bà nội, của anh chị và bạn bè.

Thêm 2 năm nữa. Một biến cố quan trọng ập đến với chị. Cậu con trai kháu khỉnh có vẻ gì đấy khác những đứa trẻ bình thường. Cậu không nhận tín hiệu tiếng động và cũng không phản ứng gì với tất thảy hành động của mọi người xung quanh. Đưa con đi khám, chị đau đớn tột độ khi được thông báo rằng con chị câm điếc vĩnh viễn. Có lẽ, cậu đã bị ảnh hưởng một tác động nào đó mà không ai phán đoán được là từ đâu.

Chồng chị không sao chịu đựng nổi biến cố đau đớn này. Nó đánh gục lòng tự ái lớn lao của anh về một viễn cảnh tươi đẹp, mà anh đang chờ đợi từ cậu con trai đầu lòng. Anh đắm mình vào những cơn say triền miên rồi về nhà đánh đập vợ, chửi bới vu vơ, phá phách đồ đạc.

Nỗi đau đớn từ tật nguyền của con, từ những cơn hành hạ của chồng trút cả lên đôi vai nhỏ bé của chị. Cô con gái phố cổ xinh đẹp ngày nào, vốn chỉ quen được bố mẹ, đặc biệt là bố, cưng chiều và nâng niu giờ héo hon vì chồng con. Mẹ chồng biết chuyện, bà dọn sang ở cùng nhà chị để trông cháu và khuyên bảo con trai. Nhưng rồi không khuyên bảo được, bà đành đứng lên quyết định làm thủ tục cho hai vợ chồng chị ly hôn. Trong phút tỉnh táo hiếm hoi trước khi rời khỏi nhà, chồng chị quyết định để lại căn hộ nhỏ cho hai mẹ con chị.

Thương cô con dâu vất vả, thương cháu nội tật nguyền, mẹ chồng quyết định ở lại sống cùng hai mẹ con chị. Bà chăm sóc cháu, đỡ việc nhà để chị đi làm. Cứ chăm sóc cháu, cứ đỡ đần chị như thế cho đến khi già yếu, nhắm mắt xuôi tay. Phút cuối cùng từ giã cuộc sống, bà mất trên đôi tay chị, cô con dâu hiếu thảo và có gì đó thật đặc biệt.

Hơn 18 năm trôi qua…

Suốt những năm tháng nuôi con, chị chiến đấu không biết mệt mỏi để con mình có thể hòa nhập cộng đồng. Nghe ở đâu có thày dạy người câm điếc, có tài liệu ngôn ngữ cử chỉ của người câm điếc là chị tìm cho bằng được. Cả hai mẹ con đánh vật với thứ ngôn ngữ đặc biệt này. Chị tự nhủ, mình cũng phải nói được với con, vì thế, con học gì, mình phải học bằng được như vậy. Có lần, hai mẹ con mất gần nửa ngày chỉ để học một câu “có chí thì nên”.

Thời gian trôi đi trong nghị lực phi thường và lòng quả cảm của cả con, cả mẹ. Ngày vui nhất là ngày chị đưa con trai đến trường, dù có muộn mằn hơn các ban cùng lớp tới 2 tuổi. Trong lớp, cậu học rất sáng dạ, thông mình và có năng khiếu đặc biệt về hội họa. Chỉ có điều, không nghe được, không nói được. Ngay cả máy trợ thính tốt nhất cũng chỉ giúp cậu nghe lõm bõm được vài lời thày cô giảng. Bù lại, cậu chép bài rất nhanh, học rất nhanh. Khi được gọi, thay vì trả lời miệng như các bạn, cậu phải viết lên bảng. Chậm, nhưng mỗi lần kiểm tra như thế, cả lớp lại hồi hộp, chờ đợi và cười òa vì lần nào cậu cũng được điểm rất cao.

Cứ như thế, con trai, hay nói chính xác hơn là hai mẹ con chị đã đi hết 12 năm học phổ thông trước niềm cảm phục và tình thương vô bờ bến của bạn bè, thày cô. Năm cuối cấp, theo lời khuyên của cô chủ nhiệm, cậu ghi danh thi vào một trường đại học danh tiếng về mỹ thuật.

Cũng từng ấy năm…

Hai mẹ con chị không dám một lần quay về nhà ông bà ngoại. Bố chị cấm cửa chị, cấm luôn cả mẹ chị và cậu em trai duy nhất không được quan hệ với chị. Vốn là một người phụ nữ hiền lành, cả đời lệ thuộc vào chồng, mẹ chị không dám trái ý dù rất thương con gái. Chỉ có cậu em trai là sợi dây duy nhất nối chị với gia đình.

Khi rời khỏi nhà, em chị mới 13 tuổi. Cậu không ý thức được sự hà khắc và phong kiến của bố. Cậu chỉ biết thương chị. Trong con mắt của cậu, chị gái là người chăm lo cậu nhiều nhất. Cậu nhớ không bao giờ quên những ngày bé, mỗi lần ị xong, cậu lại gọi chị ầm ĩ để được chị rửa, thay đồ và phát nhẹ một cái vào mông. Ngay cả khi đã hơn 10 tuổi, cậu vẫn được chị chăm như thế, dù lần nào hai chị em cũng bị bố mắng là em lớn rồi, phải để em tự làm những việc đó.

Và cũng trong ngần ấy năm, từ khi còn bé, đến lúc tốt nghiệp đại học và đi làm, cậu vẫn luôn trốn bố sang nhà chị. Khi thì chơi đùa, tập nói bằng cử chỉ với cháu. Khi thì cho chị cái này cái kia. Lúc bố, mẹ ốm đau, cậu lại cầm tiền của chị về biếu bố mẹ và nói dối là của cậu. Sợi dây tình cảm ấy là nguồn động lực lớn lao giúp hai mẹ con chị vượt qua nhiều bão táp của cuộc đời.

Cho đến năm nay

Khi điểm thi đại học được thông báo, mẹ con chị vỡ òa trong niềm vui khôn tả. Cậu con trai tật nguyền của chị trúng tuyển đại học với số điểm rất cao. Tin tức về cậu nhanh chóng theo các báo mạng đi bốn phương. Người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới gửi mail về chia vui với mẹ con cậu, gửi quà cho cậu và bày tỏ mong mỏi với bố chị hãy tha thứ cho chị.

Cuối giờ sáng một ngày chủ nhật…

Chị nghe tiếng gõ cửa và trái với lệ thường, thấy tiếng cậu em trai gọi hai mẹ con chị ầm ĩ. Mở cửa, chị không thể nào tin vào mắt mình. Bố mẹ chị đến. Lần đầu tiên sau gần 20 năm, chị mới lại được đứng gần bố mẹ. Mẹ vẫn thế, vẫn hiền lành và nhu mì. Bà vào ngay nhà để ngồi cùng với đứa cháu ngoại mà bao năm chỉ nghe kể mà chưa hề được ôm ấp lần nào. Bà sợ câu đối thoại đầu tiên giữa bố con chị.

Còn chị, chị đứng sát ngay bố. Đã từ lâu lắm rồi, chị chỉ được nhìn trộm bố. Những lần nhớ nhà quá chị phải đứng từ xa nhìn về con phố nhà mình. Còn bây giờ, bố chị đứng đấy, ngay bên cạnh chị. Bao kỷ niệm của chị với bố từ ngày còn tấm bé chợt ùa về. Chị cúi đầu, hai hàng nước mắt tự nhiên chảy dài trên má: “Bố, bố, con gái xin bố tha tội bất hiếu. Vì con ngang bướng mà bố mẹ phải khổ, con và cháu phải khổ. Giờ, con gái nghe lời bố, không bao giờ cãi lại bố nữa. Bố cho con với cháu về nhà mình bố nhé!”

Bố chị vẫn nghiêm nghị đến khắc khổ như ngày nào. Nhưng chị biết ông thương và xót xa cho chị và con trai. Ông nói, giọng lạc đi: “Bố cũng có lỗi với con. Bố cũng cố chấp. Bố mẹ sang đón con và cháu về nhà mình mà! Vào chuẩn bị đi con! Bố bảo em gọi taxi đây. Về nhà rồi bố con mình nói chuyện. Nhanh lên đi con!”.







50 nhận xét:

  1. Hic, em không thích những ông bố bà mẹ kiểu như bố mẹ chị kia. Nếu thằng bé không đỗ thủ khoa thì liệu ông bà có sang nhận cháu không? Họ vẫn là những người ích kỷ, chị chịu xuống nước khi lòng tự ái được ve vuốt.

    Trả lờiXóa
  2. Ông ngoại cố chấp thì đã đành, tại sao lúc chị ấy vừa sinh con, li hôn, bà ngoại lại không cưu mang. Em rớt nước mắt vì thấy thương những lúc đó. Gặp em, em không thèm về luôn.

    Trả lờiXóa
  3. Hai mươi năm? cái giá chờ đợi người ta công nhận con mình là bình thường, là thông minh ko kém bất cứ một đứa trẻ khỏe mạnh nào khác trên đời này...Hai mươi năm hi sinh theo con đi học với nó, cái giá chị này đã trả thật ko có gì bù lại được. Ngoài sự hi sinh tuổi trẻ, hi sinh mọi thú vui trai gái trên đời, hi sinh mọi thứ ham muốn chỉ để đạt được một ham muốn duy nhất là...con mình phát triển bình thường hòa nhập vào xã hội. Hết một đời người!

    Trả lờiXóa
  4. Xin phép được góp ý, nếu không phải bạn xóa giùm nhé.
    Theo tôi được đọc và biết thì trước nay VN có duy nhất và đầu tiên một trường hợp khiếm thính là bạn Đ.P.K. Đó là một tấm gương lớn đặc biệt, thi đậu thủ khoa ĐHMT 2009. Cuộc đời của mẹ con ấy thật là phi thường. Tôi không đọc được những chi tiết về cha mẹ chồng chị ấy như trong bài viết này (Hay có thật mà tôi khg được đọc). Nên theo tôi, như vậy sẽ xúc phạm hai người lớn ấy. Còn nếu là một câu chuyện phóng tác thì bài viết khg nên có chi tiết thủ khoa, xưa nay mới chỉ có một mình bạn Đ.P.K. mà thôi.

    Có gì khg phải bạn bỏ nhé, hoặc xóa cái còm này.

    Trả lờiXóa
  5. Đọc bài viết trên mới thấy trong xã hội này thật quá nhiều người hạnh phúc:cưới được người mình yêu còn sinh được những đứa con thông minh kháu khĩnh.Mới thấy ông trời thật là bất công với chị ấy!

    Trả lờiXóa
  6. Chuyện này hiếm nhỉ, bố mẹ bỏ con gái 20 năm, cả trong lúc cô ta hoạn nạn, nên chăng còn được kính trọng??? :((

    Thời nay, con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi yên đấy, cấm di chuyển :))

    Trả lờiXóa
  7. Em thấy hầu như sự hy sinh của phụ nữ Việt Nam bao giờ cũng to lớn hơn của mấy anh. Hơn nữa hy sinh cho con cái thì đa phần người mẹ làm xuất sắc hơn người cha rất nhiều. Chỉ tội cho phụ nữ nào gặp phải anh chồng dễ bất mãn mỗi khi gặp biến cố mà thôi.

    Trả lờiXóa
  8. VMC: Như thế có nghiêm khắc quá không hả em?

    Trả lờiXóa
  9. mooncakesg: Có nhất định là phải thế không em? Cùng là những người ruột thịt với nhau mà. Dù gì thì mình cũng nên hướng về sự tha thứ em ạ!

    Trả lờiXóa
  10. Lu: Về một khía cạnh nào đó, câu chuyện thật bi thương đúng như em nói. Sự hy sinh là cả một đời người.

    Trả lờiXóa
  11. Đỗ: Hoàn toàn không có gì là không phải cả bạn ạ! Chuyện được viết trên tinh thần của sự thật. Các chi tiết cơ bản là sự thật bạn ạ! Tuy nhiên, để tránh mọi điều phiền phức, tôi đã giấu tất cả những chi tiết để một người nào đó có thể đoán ra.
    Chi tiết Thủ khoa thì bạn nói đúng. Nhưng bạn cũng biết ở nước mình có không phải chỉ một trường mỹ thuật. Đúng không bạn? Và vì thế, cũng không chỉ có một Thủ khoa.
    Cuối cùng, mong bạn hiểu là tôi viết câu chuyện này vì cảm phục sự hy sinh vô bờ bến của một người phụ nữ. Nó có thể cho chúng ta, cả những người đàn ông, nhiều bài học ở đời.
    Có gì xúc phạm đến ai đâu bạn?

    Trả lờiXóa
  12. Sóng Thần: Tôi ngưỡng mộ người phụ nữ này bạn ạ!

    Trả lờiXóa
  13. Mờ Mờ: Hầu hết là thế! Côn cái đặt đâu cha mẹ yên đấy. Nhưng cũng có những trường hợp ngược lại đấy bạn ạ!

    Trả lờiXóa
  14. Hạnh Phúc Lang Thang: Phụ nữ Việt Nam là thế đấy em ạ! Hy sinh vì chồng con suốt đời mà!

    Trả lờiXóa
  15. Với tình huống này, em thấy chữ nhu nhược hợp hơn là hy sinh anh ạ.

    Trả lờiXóa
  16. Em phục bà mẹ chồng!

    Trả lờiXóa
  17. @mooncakesg: nếu em ko về thì em cũng ... cố chấp như ông ngoại mất rồi em à

    Trả lờiXóa
  18. Tôi chưa thuận lắm nên thêm vầy:
    Bạn nói: ... không phải chỉ 1 trường mỹ thuật... không chỉ có một thủ khoa.
    Nhưng tôi có thể khẳng định, cả nước VN này, tất cả các trường đại học của VN chứ không riêng mỹ thuật, và từ xưa đến nay luôn. Chỉ có một người khiếm(vừa bị câm và điếc) duy nhất ĐẬU THỦ KHOA là Đoàn Phạm Khiêm. Ông bà ngoại bạn ấy là người bị xúc phạm đó. Họ sẽ nghĩ sao khi đọc bài này, tả họ là những người ăn ở ác như vậy.

    Tôi cứ tiếc nếu bạn bỏ đi cái chi tiết đậu thủ khoa, chỉ là người khiếm đậu đại học là được rồi, bài sẽ rất hay.
    Tôi thường đọc trang của bạn, nên rất chân tình góp ý vậy. Thông cảm nhé.

    Trả lờiXóa
  19. @A Thụy:
    Em không phản đối việc họ đoàn tụ với nhau. Có khi mẹ con chị ấy cũng cần sự tha thứ của bố mẹ. Em chỉ không thích cách hành xử của ông bà ấy thôi.

    Trả lờiXóa
  20. Mai: Anh vote cho nhận xét của em về bà mẹ chồng. Chi tiết thực tế hay hơn nhưng tiếc là anh chỉ thể hiện được đến vậy.

    Trả lờiXóa
  21. rita: Em nói cũng phần nào đúng. Nhưng như thế, liệu mình có quá khắt khe không hả em?

    Trả lờiXóa
  22. Đỗ: Tôi đã đọc lại toàn bộ bài viết vài lần. Đọc comt của bạn cũng thế. Góp ý của bạn về tình tiết Thủ khoa hoàn toàn chính xác. Tôi sẽ sửa lại ngay. Ý tôi chỉ muốn giấu tên thật. Nhưng chi tiết Thủ khoa quả là lỗi kỹ thuật không nên có.
    Cám ơn bạn đã đọc, đọc kỹ, đã góp ý và góp ý rất trúng. Bạn ghé tôi thường xuyên nhé!

    Trả lờiXóa
  23. VMC: Anh đồng ý với em cách đánh giá như vậy. Ông bố hà khắc quá. Anh có một người quen, bác ấy là cán bộ khá khá. Có 2 người con. Cậu con trai thứ thì rất ổn. Nhưng cô con gái đầu thì hai bố con xung khắc khủng khiếp. Tới cả ngót 5 năm nay không nhìn mặt nhau. Buồn!

    Trả lờiXóa
  24. Em cũng giống anh VMC , không hiểu được hành động cứng nhắc của người cha với con gái lúc cô ấy đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi. Muốn cho cô ấy hiểu lẽ phải ư? Lẽ phải luôn nằm ở những trái tim biết cảm thông. Muốn cho cô ấy phải trả giá vì không nghe lời cha mẹ ư? Liệu cô ấy phải trả giá vì trái lời hay là trả giá vì suy nghĩ kỳ quặc của người thân?

    Nhưng suy cho cùng, chính hành động khá nhẫn tâm của cha mẹ biết đâu lại là phép thử để cô ấy phải vượt qua, sau khi đã vượt qua ông chồng vũ phu để sau này tiếp tục vượt qua số mệnh hẩm hiu của con trai?
    Trân trọng trước nghị lực của cô ấy, trân trọng tấm lòng hiếu thảo vẹn nguyên, không bị biến thành lòng căm hận thân phụ như nhiều trường hợp em biết.

    Trả lờiXóa
  25. Titi: Có nhiều khi, hành động cứng nhắc của ông bố chỉ đơn giản là thói gia trưởng, phong kiến, cố chấp mà thành thôi em.
    Mẹ con cô ấy thì thực sự đáng trân trọng và ngưỡng mộ rồi em!

    Trả lờiXóa
  26. Vâng, gia trưởng phong kiến cố chấp ...nếu như vì thế mà cô ấy và con trai bị làm sao thì lúc ấy mới được gọi là nhẫn tâm?

    ĐÃ nói thì nói hết. Em thấy người ta hay viện lí do này nọ để biện minh cho hành động của mình. Tại sao chỉ chìa bàn tay và nụ cười với thành công mà không làm như thế với thất bại và tủi nhục đến với người thân của mình? Đành rằng mỗi người phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình nhưng ai cũng có lúc sai, lúc dại. Làm cha mẹ càng cần phải bao dung và là nơi con cháu có thể tin cần nhất.

    Trả lờiXóa
  27. đúng là em nghĩ chuyện của những năm trước thôi, thời bây giờ không bố mẹ nào "dám" giận con mình đâu ạ, toàn con hiếm, dâu hiếm, rể hiếm, cháu hiếm.. nếu giận vậy mà mất luôn í chứ, nên chỉ có con đặt đâu là bố mẹ ngồi đấy ạ.

    Hồi xem phim Sóng ở đáy sông, cũng là 1 ông bố hà khắc và cố chấp như thế...

    Trả lờiXóa
  28. Tất cả những nhân vật trong câu chuyện này đều lạ lùng. Bố mẹ đẻ hà khắc đến độc ác, bà mẹ chồng thì nhân từ đến khó tin, anh chồng thì quá mâu thuẫn và hèn nhát: đã kiên quyết lấy vợ bất chấp sự phản đối rồi lại sẵn sàng bỏ cái roẹt, cậu con trai thì khiếm khuyết nhưng năng khiếu xuất sắc. Cuối cùng chỉ có nhân vật chính là không có gì đặc biệt lắm nếu so với phụ nữ bình thường bấy lâu nay: cam chịu đến mức nhu nhược. Nhưng sẽ là đặc biệt và đáng ngạc nhiên nếu so với chị em phụ nữ hiện đại hơn.

    Do đó, mặc dù anh Thụy muốn ca ngợi sự chịu đựng và hy sinh của chị ấy, cũng như anh muốn mọi người cảm động với kết thúc có hậu, nhưng em vẫn thấy rằng, đứng từ quan điểm tiến bộ của chúng ta thì không ai đáng ca ngợi ở đây cả :-(

    Diễn ngôn và tư tưởng về sự chịu đựng của phụ nữ bất chấp hoàn cảnh nào, là diễn ngôn cũ roài, bác ạ. Nên cởi trói cho họ từ trong cách suy nghĩ hàng ngày của quý ông, chứ không cần chờ đến các phong trào giải phóng rất hình thức.

    Trả lờiXóa
  29. anh Thụy : túm lại vấn đề của câu chuyện theo ý của riêng em thì nó nằm ở hai chử "TRÁCH NHIỆM". Ko cần thiết phải phân tích xem ông bà ngoại ra sao? mẹ chồng tốt thế nào? anh chồng trốn tránh trách nhiệm ra sao? điều quan trọng là họ đã cho ra đời "một sinh vật ko bình thường".

    Tuy ko bình thường nhưng nó là một sự sống! nó cần được thở, nó cần được xã hội công nhận quyền được sống của nó, mặc dù nó si khờ hay khiếm khuyết tàn tật! nếu cứ so đo suy nghĩ giữa hai chử "hi sinh" và "nhu nhược" thì có tội cho sinh vật đó ko?

    Chị ta đã chọn con đường khó đi và đã dám đứng ra gánh trách nhiệm mình gây ra, cho dù chị đã trả nợ cả cuộc đời thì đã sao? đó ko gọi là nhu nhược, đó ko gọi là cần sự giải phóng phụ nữ cái chi chí cả...đơn giản là chị ấy đã biết chịu TRÁCH NHIỆM những hành động của mình!

    Trả lờiXóa
  30. @Gấu: đứng về mặt bình quyền thì ý của em cũng rất đáng lưu tâm, không nên ca ngợi sự chịu đựng, hy sinh, nhưng đáng ca ngợi nghị lực vượt qua nỗi chán chường, buông xuôi và tủi thân lắm chứ :-) - Vì, cũng với hoàn cảnh như vậy, nhiều cặp mẹ con đã và đang khá bi đát, không dám nghĩ đến cuộc sống bình thường chứ chưa nói đến gặt hái thành công như vậy.

    Trả lờiXóa
  31. Bà mẹ đáng ngưỡng mộ nhưng mong đừng ai phải rơi vào hoàn cảnh giống chị ấy cả. Có mỗi người mẹ là thực sự yêu thương con vô điều kiện, còn những người thân khác đều là có điều kiện: đứa con học hành đỗ đạt.

    Em cũng không sùng bái chuyện con cái phải làm cha mẹ tự hào, em muốn nó được sống hạnh phúc đúng theo ý của nó.

    Em được kể là ở các nước phúc lợi xh tốt, bố mẹ có con khuyết tật không cảm thấy nặng nề như bố mẹ ở VN đâu. Nhà nước họ lo sắp xếp để người khuyết tật cũng có thể đóng góp cho xã hội. Việc này sẽ làm cho không khí trong mỗi gia đình cũng bớt nặng nề đi nhiều, sẽ bớt đi những cảnh gia đình tan nát vì con khuyết tật.

    Trả lờiXóa
  32. @Titi: ừ nhỉ, em cũng định chữa lại cái í đấy đấy :-) Cám un Titi nhá. Em phát biểu lạc đề roài, anh Thụy ui, khỏi cần giả nhời, có Titi hỉu em rùi :-D

    Trả lờiXóa
  33. @Gấu: có ngừi nhận lỗi nhanh như điện ấy nhỉ. Yêu quá cơ :-D

    Trả lờiXóa
  34. TiTi : hị hị, Ti Ti so sánh sai rồi, chử "bình quyền" không được xem so sánh trong tình cha mẹ hi sinh lo cho con mình nên người đâu Ti Ti à. Cha mẹ nào, đa số là thế, cũng đều hi sinh cả đời lo cho con mình thành tài, điều này nên ca ngợi chứ?
    Nếu nói rằng ko nên ca ngợi sự hi sinh của người cha người mẹ, mà chỉ khen í chí vượt khó của các đấng sinh thành ra ta thì...e rằng cha mẹ ông bà mình sẽ khóc hu hu. Vì con nó lớn thì lại phủi công ơn hi sinh trời biển của mình. ;))

    Trả lờiXóa
  35. Titi: A hiểu tâm tư của em. Nhưng biết làm sao được. Đây là câu chuyện của một gia đình. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh mà. Cá nhân anh, anh không bao giờ ủng hộ các thành viên ruột thịt lại xử sự với nhau như vậy. Nhưng làm sao có thể bắt mọi người theo ý mình được đây em!

    Trả lờiXóa
  36. Mecghi: Xã hội càng văn mình thì bố mẹ càng ít can thiệp vào các quyết định của con cái khi đã đến tuổi trưởng thành. Nhưng ở Việt Nam mình, cái đó chưa phổ biến được em ạ!

    Trả lờiXóa
  37. Gauxx: Em không hề lạc đề đâu. Đúng là một xã hội văn mình, không ai đi ca ngợi sự hy sinh đến mức gần như là không thực tế như vậy. Có vẻ gì đấy nó triệt tiêu khao khát vươn lên của mỗi con người. Nhưng những người phụ nữ Việt Nam thì lạ lắm. Nhiều người trong số họ cả đời không biết đến gì ngoài con cái họ. Đó là cái tốt, song cũng có mặt tiêu cực. Nó làm thế hệ tiếp theo không năng động và tự tin.
    May thay, số này ngày càng ít đi em ạ!

    Trả lờiXóa
  38. Lu: Đúng hơn là chị ấy đã phải chịu thêm cả phần trách nhiệm của một vài người khác nữa. Ví dụ anh chồng. Đúng không em?

    Trả lờiXóa
  39. like2chat: Anh kết nhất câu của em là "on cái phải làm cha mẹ tự hào". Và anh rất sợ uan điểm con mình phải học đứng đầu lớp để dòng họ được ngẩng cao đầu.

    Trả lờiXóa
  40. "Nhưng những người phụ nữ Việt Nam thì lạ lắm. Nhiều người trong số họ cả đời không biết đến gì ngoài con cái họ. Đó là cái tốt, song cũng có mặt tiêu cực. Nó làm thế hệ tiếp theo không năng động và tự tin.
    May thay, số này ngày càng ít đi em ạ!"

    Cho em í kiến luôn câu này của anh Thụy nhé! Thằng bé thành công thì ko gọi là thế hệ kế tiếp ko năng động và thiếu tự tin rồi. Chị ấy ko cố gắng làm gương thì làm gì thằng bé có đủ nghị lực vượt qua?
    Em chắc là sự thành công của thằng bé, sẽ làm những người sau đem đó ra để cố gắng nhủ mình rằng ko có gì là ko làm được nếu ta cố gắng. Nếu thật sự tin tức anh nói xã hội bây giờ ngày càng ít đi những người chịu hi sinh lo con như thế hèn chi...em thấy nhà nuôi trẻ mồ côi lang thang ở VN ngày càng nhiều à nha. Cho dù anh chồng ko trách nhiệm chị ấy phải cáng đáng luôn, nhưng nếu chị ấy cũng chỉ lo tranh lựng xem trách nhiệm về ai thì thèng bé ko chờ được đâu anh à. Mọi việc nên bắt tay vào làm chứ đừng phải chờ lựng xem ai lỗi ai phải? cứ đùn đẩy mãi trách nhiệm thì tội cho trẻ con lắm.

    Góp í thôi, đừng ai mích lòng em nhé. Chỉ là em thấy có những vấn đề ko nên đem khuôn khổ cứng nhắc áp dụng vào được. Ở đây cần tình người mềm dẽo hơn, nếu cho rằng hi sinh của chị này là tiêu cực thì...từ nay những đứa trẻ ra đời ko bình thường nên để cho nó cứ như thế, cha mẹ đi nẹn ra đứa khác mạnh khỏe thông minh hơn, rồi tập trung lo cho nó thì đở phí thời gian.

    Trả lờiXóa
  41. @Anh Thụy à, cám ơn anh nhiều, anh nói hoàn toàn chia sẻ í kiến của em, nhớ cộng thêm cái ý Titi đã chữa lại cho em nhá :-)

    "Nhưng những người phụ nữ Việt Nam thì lạ lắm. Nhiều người trong số họ cả đời không biết đến gì ngoài con cái họ. Đó là cái tốt, song cũng có mặt tiêu cực. Nó làm thế hệ tiếp theo không năng động và tự tin. May thay, số này ngày càng ít đi em ạ!"

    - anh Thụy viết được ra câu này thì hoàn toàn là quý ông hiểu biết, có lòng, và đáng kính thật sự. Em hâm mộ anh!

    Nếu cô ấy, chứ không phải ông chồng, là người bỏ đi - chắc sẽ bị nguyền rủa không tiếc lời. Đó chính là cái định kiến của xã hội gắn chặt trách nhiệm của người phụ nữ với con cái, trong khi sẵn sàng thể tất sự rũ bỏ trách nhiệm của người đàn ông.

    Em cũng tin là những người phụ nữ hiện đại không chỉ biết hi sinh, lo lắng cho con như một bản năng làm mẹ, mà họ còn có đủ bản lĩnh và kiến thức để khẳng định tư cách, cũng như quyền bình đẳng của mình trong quan hệ gia đình và xã hội.

    Nói ngược với anh: may thay, số này ngày càng nhiều lên. Và ít ra trong xóm blog của mình cũng có những người như thế: đáng ca ngợi và đáng tôn trọng. Hoàn toàn khác vói: đáng ca ngợi và đáng thương!

    Túm lại, bài viết và trả lời comments của anh rất hay vì nó gợi ra sự suy nghĩ.

    Trả lờiXóa
  42. Lu: em nói phần đầu thì hoàn toàn đúng rùi. Ở đây, chị ấy đã rất dũng cảm, năng động, dám đứng mũi chịu sào, vì thế cậu con trai mới trưởng thành thế chứ em!
    Phần sau thì anh băn khoăn quá. Đành rằng Nhà nước có đủ phúc lợi để lo cho trẻ khuyết tật (giả sử là như thế) nhưng không lẽ mình lại tiếp tục nẹn tiếp ra đứa khác nữa. Hic

    Trả lờiXóa
  43. Gauxx: Đến cái comt này thì anh có thể nói thật chính xác là anh hoàn toàn đồng ý với em rồi!

    Trả lờiXóa
  44. anh Thụy : hè hè, mọi người còm thế này thì em ưng cái bụng rồi đấy. Con nít là phải được ưu tiên một, khi đụng đến vấn đề con nít thì tất cả luật lệ cứng nhắc gì gì đều phải bỏ qua, để tạo điều kiện tốt nhất cho chúng nó phát triển lành mạnh.
    Công hay tội gì của ai thì sẽ xử sau, bố cà chớn cho bố lên đường, mẹ hư thì cho mẹ qua phà, ông bà ko biết nghĩ thì forget luôn đi. Sau này nó lớn khôn thì tự ông bà hối hận vì mình lớn mà suy nghĩ cố chấp thôi.
    Tính em nó thế rồi, đụng đến vấn đề trẻ nít là em hay tranh lựng lém...cấm tiệt hắt hủi trẻ em, bỏ rơi trẻ em.
    Nẹn cái gìe nữa mờ nẹn anh? trường hợp con sinh ra ko bình thường thì lo một đứa là đủ sói đầu rồi, anh còn đòi nẹn cái chi chi nữa? ;))

    Trả lờiXóa
  45. Lu: Hì hì! Em nói chí phải, anh rất là vui! À, Đại lễ 1000 năm Thăng Long em có về không?

    Trả lờiXóa
  46. Em ko về được tháng 10, thời gian đó công ti em busy rồi đến tết ta mới thong thả thời gian mà lượn lâu được. Nhưng anh vẫn có chai rịu vang kỹ niệm 125 năm của Sattui, Napa Valley để mừng ngày 1000 năm Thăng Long mờ. Nhớ kêu các em gái tụ tập lại chén với anh một li. ;))

    Trả lờiXóa
  47. Lu: Cám ơn em! Anh thích chai vang ấy. Em làm anh hồi hộp!

    Trả lờiXóa
  48. Em im lặng không comment được bài này. Nhưng đọc mãi. Vote cho cuộc đàm thoại rất hay của Gấu và anh Thụy. I really like it. Thanks.

    Trả lờiXóa
  49. Gửi anh Thụy và mọi người,

    Em thường xuyên vào đọc blog của anh. Em rất thích câu chuyện này, rất thích những comments của Gấu, của Lu, nên mạn phép comment vài câu. Điều làm em cảm phục trong câu chuyện này là nghị lực và tinh thần kiên cường của người mẹ và của cậu con trai. Mẹ nuôi dạy con trai một mình đã vất vả, lại còn là con trai tật nguyền nữa thì càng khó khăn hơn nhiều. Con thiếu cha đã khổ, lại còn tật nguyền, chắc cũng nhờ tình yêu với mẹ mà cố gắng!

    Em ko thấy đức hy sinh là điều cần ca ngợi ở đây, khi người mẹ yêu con, người ta tự nguyện làm mọi điều cho con anh à, nhưng phải là người can đảm và nghị lực lắm mới làm được như nhân vật trong câu chuyện của anh.

    Và nữa, em đồng ý rằng người phụ nữ ấy rất can đảm đứng lên nhận trách nhiệm của mình: đã tự nguyện lấy người mình yêu, có con thì phải sống cho đàng hoàng, đi hết con đường đã đi chứ ko oán trách số phận, oán trách người thân.

    Mà sao (em nói xin anh và các bạn đừng giận) đàn ông vốn được tiếng là phái mạnh lại nhu nhược và kém cỏi đến như người chồng? Em đã nhìn thấy ko phải ít người như vậy đâu. Em có con trai, nhiều lúc thấy lo, ko biết phải dạy con ra sao để lớn lên nó đừng làm hổ danh hai chữ "đàn ông" như những người ấy!

    Trả lờiXóa
  50. Lana: Thế mà anh tưởng em bận gì đó không đọc cơ. Cám ơn em nhé!

    Trả lờiXóa