Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2010

HAI SẮC HOA TIGON 2




Chàng thi sĩ Nguyễn Tuấn Trình lúc đó mới 19 tuổi. Sau này, chỉ với Tống Biệt hành, Nguyễn Tuấn Trình với bút hiệu Thâm Tâm đã nổi danh trên văn đàn nhiều năm, và còn có thể là mãi mãi nữa. Tuy nhiên, lúc đấy chàng thi sĩ họ Nguyễn mới chỉ 19 tuổi thôi và chưa có tiếng tăm gì hết.

Nguyễn yêu một cô gái tên là Trần Thị Khánh, nhà ở phố Sinh Từ. Khánh là học sinh tiểu học, mới 17 tuổi. Thi trượt, cô ở nhà làm nội trợ, như hầu hết các cô gái cùng trang lứa ngày ấy.

Nhà cô ở gần Văn Miếu nên họ thỉnh thoảng có hẹn nhau ra đấy. Những năm 40 của thế kỷ trước, Văn Miếu còn hoang sơ lắm. Tên thường gọi là Thanh Giám. Hồi ấy, cứ chiều chiều là có một bầy quạ bay về đậu trên những cây cổ thụ ở đấy. Vì thế, người Pháp còn gọi Văn Miếu là Chùa Quạ (Pagode des Corbeaux) ngoài danh từ lịch sử là Temple de Confucius. Chính vì có tên gọi là Thanh Giám nên sau này, trong Hai sắc Hoa Tigon có câu “Ở lại vườn Thanh có một mình. Tôi yêu lá rụng lúc tàn canh. Yêu trăng xế rọi qua ngang cửa. Yêu nắng chiều nô giỡn lá cành”.

Trong thời gian yêu nhau ngắn ngủi, hai người gặp nhau có 2 lần và đều ở vườn Thanh. Lần thứ 2, lựa lúc thuận tiện, cô gái hỏi: “Anh định khi nào đến xin thày me cho chúng mình…”. Thi sĩ họ Nguyễn bối rối, lơ đễnh trả lời: “Anh chưa nghĩ đến việc ấy, vì…”.

Câu chuyện bị bỏ dở tại đây. Giá như bây giờ, mọi chuyện có thể cũng chẳng đến mức trầm trọng. Không lấy nhau thì thôi. Nguyễn lúc đấy còn nghèo, còn lãng tử, còn trăm mối bận tâm khác, đâu đã nghĩ đến chuyện lấy vợ. Nhưng hồi ấy, yêu là phải lấy nhau chứ.

Một thời gian sau, Khánh lấy chồng. Chồng cô 39 tuổi. Là một người đàn ông thành đạt, một nhà buôn giàu có ở Phố Hàng Ngang. Họ đã sống với nhau hạnh phúc mãi những năm về sau này.

Tất nhiên, chàng thi sĩ họ Nguyễn của chúng ta đau khổ, dằn vặt, tự ái, tức tối theo kiểu của một thi sĩ nghèo bị bỏ rơi. Đã thế, Nguyễn lại bị đám bạn trẻ mang chuyện này ra đùa bỡn, chế nhạo.

Và trong một thời khắc xuất thần, chính cảm giác đau đớn, tủi nhục của kẻ thất trận tình ấy đã để lại cho đời sau một thi phẩm tuyệt tác. Thi phẩm Hai sắc Hoa Tigon!



6 nhận xét:

  1. Vậy T.T.KH là Nguyễn Tuấn Trình ??

    Trả lờiXóa
  2. Cái này hay quá anh Thụy, hồi giờ mới biết được nguồn gốc của bài thơ này đó. Cám ơn anh Thụy.

    Trả lờiXóa
  3. Nặc Danh: Hì, theo một giai thoại thì là như thế bạn ạ!

    Trả lờiXóa
  4. Phung Tran: Nhưng em cũng nên lưu ý là cái anh viết ra cũng chỉ là một trong những giai thoại thôi. Có điều, theo anh, là giai thoại tin cậy và logic hơn cả mà thôi!

    Trả lờiXóa
  5. Cái này hay à nha, anh post tiếp chuyện tình này đi nhá. Em thì chỉ nhớ mỗi câu này, nghe Như Quỳnh hay ca thế, "hoa dáng hình như tim vở, em sợ tình ta cũng thía thui..." ;))

    Trả lờiXóa
  6. Lu: OK em, anh sẽ post liên tục mà. Đọc hay phết đấy. Nhưng em nhớ, chỉ là một trong những giai thoại thôi nhé! Dù theo anh, là giai thoại khá tin cậy!

    Trả lờiXóa