Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2010

NHƯ ĐỐM LỬA NHỎ



1. Dịp SEA Games 22 diễn ra tại Việt Nam, Hà Nội thực hiện chiến dịch tập trung những người lang thang, những người xin ăn gây ảnh hưởng đến mỹ quan thành phố. Người ta gặp ông đang lang thang ở vườn hoa Lý Tự Trọng. Hỏi, ông không nói, chỉ ú a ú ớ. Các thành viên trong đoàn thực thi nhiệm vụ bảo nhau rằng người này bị câm, lại không nơi nương tựa nên nhất trí thu gom về Trung tâm Bảo trợ Xã hội.

Giám đốc Trung tâm chợt nảy ra một ý nghĩ. Anh mang giấy bút ra bảo người đàn ông viết mấy chữ. Ông viết một lô toàn chữ Trung Quốc. Thế là cái tên ông Tàu ra đời từ đó. Khi ấy, ông đã vào khoảng 70 tuổi. Dáng lam lũ, khổ sở đến hèn hạ.

Có những buổi chiều, ông lẩn thẩn ra ngồi ngoài chái nhà, nhìn nắng, nhìn những đám mây trôi về phía núi Tản. Không ai biết ông nghĩ gì. Ngay đến những thông tin về quê quán, hồ sơ của Trung tâm chỉ ghi một dòng chữ duy nhất: Họ Mỹ, người Trung Quốc.

Ông dáng vẻ ục ịch, hiền lành ít nói. Ở Trung tâm suốt mấy năm, ông chẳng trò chuyện được với ai vì bất đồng ngôn ngữ. Ngay đến cán bộ hàng ngày xuống tận nơi điều trị, ông cũng chỉ giao tiếp bằng ký hiệu. Không đồng ý cái gì, ông phẩy tay, không cho vào. Nhưng được cái, ông vẫn giúp đỡ mọi người, dìu những người già, những người tàn tật… đi lại, hay giặt quần áo, phơi hộ cái quần, khều giúp cái áo treo cao.

2. Người phụ nữ tật nguyền ấy quê mãi trên vùng mạn ngược Hòa Bình. Nhà nghèo, bị bệnh tật từ nhỏ, mấy chục năm đằng đẵng chị sống cùng cực và khổ sở bên chiếc nạng gỗ vì căn bệnh liệt nửa người. Bố mẹ khuất núi, lại thêm căn bệnh lao, chị cũng giống như ông Tàu, trở thành công dân của Trung tâm.

Căn phòng chị nằm khuất nẻo ở góc trong cùng của Trung tâm. Đấy là khu dành cho những người có bệnh truyền nhiễm, được cách ly để đảm bảo sức khỏe cho mọi người trong. Giữa những người có cùng chung cảnh ngộ khó khăn, bệnh tật và số phận không may mắn, chị sống lặng lẽ và ít nói, hiền lành giản dị như củ khoai, củ sắn. Cả Trung tâm không ai là không biết chị. Dáng đi dẹo dọ, chông chênh, đôi mắt buồn thăm thẳm, gương mặt luôn đau đớn vì những mặc cảm số phận và bệnh tật.

3. Trong số những người ông Tàu hay giúp đỡ có chị. Rồi thế nào đấy mà Trung tâm bỗng râm ran chuyện ông Tàu và chị. Đến khi cán bộ biết rõ thực hư thì cái thai trong bụng đã lớn, không bỏ đi được nữa. Người ta phải mổ người đàn bà bị liệt chỉ còn một bên hông ấy để lấy đứa trẻ ra. Đó là một bé trai. Đứa bé lớn lên trong sự kinh ngạc của tất cả mọi người.

4. Bây giờ thì cậu bé đã được 7 tuổi. Bố cậu, ông Tàu dứt khoát đặt cho cậu cái tên mang truyền thống của người Trung Hoa: Mỹ Khánh Hoài. Ông Trời run rủi, thương người phụ nữ bị liệt nửa người ấy. Bé Hoài lớn lên, khoẻ mạnh và đáng yêu như một thiên thần. Mỗi ngày, Hoài như con thoi chạy sang chỗ bố một lát, chạy sang chỗ mẹ một lát. Được các bác, các chú cho quà, nó đều mang về chia cho bố một nửa, chia cho mẹ một nửa. Chẳng ai dạy đâu, nhưng nó vẫn biết ông Tàu là bố, và cũng chẳng tỏ vẻ xa rời bố mẹ tật nguyền, bệnh tật như thế.

5. Đến Trung tâm, chẳng ai có thể quên hình ảnh của chị, n
gười phụ nữ bé nhỏ chỉ nhỉnh hơn con trai mình mới năm tuổi một chút. Trong đôi mắt của chị nhìn con, không chỉ có những âu yếm yêu thương, mà còn chứa chan bao niềm hy vọng, niềm hy vọng mà chị đã cố gieo mầm, là nguồn sống của chị.

Niềm hạnh phúc bé nhỏ của cái gia đình đặc biệt ấy như đốm lửa làm ấm lòng những số phận, những câu chuyện buồn, ở cái địa chỉ mà như người ta thường nói, toàn những câu chuyện buồn như nhau và dài như nhau này.



24 nhận xét:

  1. Em thì thấy người ta gieo mầm sống hơi... dễ quá. Nhiều người vẫn có cảm xúc về sự sinh sôi nảy nở của cuộc đời dù méo mó, em nghĩ tự nhiên để đẩy một sinh linh ra cuộc đời mà đã đầy thiệt thòi, hơi thiếu trách nhiệm. Mặc dù câu chuyện khiến em xúc động.

    Trả lờiXóa
  2. Có phải hình 2 mẹ con chú bé Mỹ Khánh Hoài không bác? Nếu đúng thì tốt quá rồi, ơn Trời! Và cả những người ở Trung tâm(?)ấy nữa!
    Bài bác viết mang lại nhiều xúc cảm đẹp.

    Trả lờiXóa
  3. Em cũng có chung suy nghĩ như TQ. Mặc dù câu chuyện của anh có ý nghĩa nhân văn với những con người bất hạnh đó, nhưng quả thực em rất băn khoăn: những người thiệt thòi như thế rồi mà còn sản sinh thêm một đứa bé nữa thì nuôi nấng nó thế nào?

    Trả lờiXóa
  4. Họ cũng là con người mà các bạn. Đó có thể là lần duy nhất trong cuộc đời họ biết đến điều đó. Tôi nghĩ vậy.
    Có thời gian bạn dải ra một truyện ngắn chắc là hay lắm.

    Trả lờiXóa
  5. Có những mâu thuẫn mà ước nó đừng có.
    Sinh ra đứa con là hạnh phúc đem lại hy vọng cho ông Tàu và người đàn bà tật nguyền. Nhưng đúng là nhói lòng khi nghĩ đến điều kiện ra cuộc sống của đứa trẻ.
    Và, nói trộm vía, nếu lỡ sau này do hoàn cảnh mà nó trở thành 1 gánh nặng của XH thì thật buồn quá buồn.

    Trả lờiXóa
  6. 1. Hồi bé, em hay đọc truyện cho thiếu nhi nói khi người bên kia tràn sang, những ông già ăn mày què cụt bỗng trở thành người dẫn đường nhanh nhẹn và độc ác. Đợt này thỉnh thoảng lại thấy nhắc đến một bác, chỉ biết viêt chữ kiểu vạch vạch này, thấy sợ!
    2. Đọc đến đoạn bị ốm, em lại nghĩ đến cảnh ông lang biết bấm huyệt sắc thuốc nên chị ấy hết liệt!
    3. Câu chuyện này hay, nhân văn. Em không đồng ý với bạn TQ và anh VMC. Chị ấy chỉ thực hiện quyền sinh sản của chị ấy thôi. Điều này có trong luật rồi. Luật còn quy định nhà nước phải giúp đỡ người tàn tật thực hiện quyền này nếu họ muốn thực hiện cơ. Chị Lana cũng chả nên nghĩ thế, nhiều người chả do hoàn cảnh nào mà vẫn là gánh nặng đấy thôi!

    Trả lờiXóa
  7. Yêu thương và được yêu thương chẳng phải đặc quyền của người lành. Câu chuyện làm em nhớ đến hình ảnh gặp trong Chiến tranh và Hòa bình tả Sonya là "bông hoa không kết trái". Sinh con, đó là mơ ước giản dị và rất bình thường với đời người nhất là phụ nữ.
    Không biết hạnh phúc với các bạn nữ là gì, giờ khi con cái đã lớn, nhìn ngược trở lại, hạnh phúc nhất với mình là ngày trẻ con líu ríu suốt ngày quanh chân mẹ. Ánh mắt con trẻ trong sáng hướng vào mình tin cậy, trông chờ, bàn tay nhỏ nhoi của chúng bám chặt làm mình tự tin, vững vàng và cả mạnh mẽ nữa kìa.
    Sau khi có con, mình hiểu và thông cảm hơn với những người vì sao đó muộn duyên. Không có chồng cũng được, mình vẫn mong các bạn có con. Mặc dù mình hiểu đứa trẻ cần cả cha và mẹ dưới cùng một mái nhà.

    Trả lờiXóa
  8. TQ và VMC: Hoàn toàn nhất trí với ý kiến của hai anh em em. Thật sự là việc cho ra đời một sinh linh cũng cần phải cân nhắc thật kỹ, trước hết là vì tương lại của đứa trẻ đó. Vô trách nhiệm với trẻ có lẽ là một trong những tội ác, chứ không hẳn chỉ là sự vô cảm đâu.

    Chính vì thế, khi biết câu chuyện này do các bạn bên Báo ANTD kể lại, anh cứ suy nghĩ mãi, và suy nghĩ nhiều nhất là có nên cổ động cho "sự kiện" này không? Trong đó, điều băn khoăn nhất là đứa trẻ sẽ lớn lên như thế nào, học hành và trở thành công dân có ích của xã hội ra sao?

    Chỉ đến khi thấy thật thoải mái, anh mới viết truyện này. Và cũng đã để lâu rồi mới post lên đây. Lý do cơ bản là cậu bé này thật khôi ngô và hiền lành. Trung tâm ấy cũng đã tiên liệu và lo toan cho cậu khá tươm tất.

    Anh em em nói rất đúng: Không nên (không được nữa ấy chứ)cho ra đời một sinh linh vỗn đã thiệt thòi, lại còn không biết tương lai như thế nào!

    Trả lờiXóa
  9. Chu Nam Cuong: Đấy là ảnh thật của hai mẹ con đấy bác ạ! Ảnh của các bạn bên Báo ANTD đấy bác. Thằng bé trông rất khôi ngô. Còn mẹ nó thì hiền lắm bác ạ! Mẹ nó bị tật nguyền, nhưng khuôn mặt phúc hậu lắm!

    Trả lờiXóa
  10. Đỗ: Cám ơn bác! Tôi đã trình bày quan điểm trong reply với TQ và VMC rồi. Bác xem nhé!

    Về truyện ngắn thì nói thật là tôi không viết được bác ạ! Có thể, tôi sẽ cố xem sao!

    Trả lờiXóa
  11. Lana: Em lo thế thì rất là đúng, và đúng là nỗi lo của các bà mẹ rồi. Tuy nhiên, tình cảnh thực tế của cậu bé này có khác. Trung tâm ấy khá tốt. Cậu bé đang được đi học lớp 1 đấy.

    Trả lờiXóa
  12. Nước chè quê: Lo lắng cho một sinh linh là điều giản dị mà bất kể một đấng sinh thành nào đều nghĩ tới bạn ạ! TQ, VMC hay Lana lo nghĩ thế cũng là vừa rất lý trí nhưng cũng vừa rất nhân văn thôi.

    Bản thân anh cũng đã trình bày quan điểm của mình trong reply với VMC, TQ và Lana rồi. Trung tâm ấy là Trung tâm 4 của Hà Nội, mọi người ở đấy cũng biết lo cho đứa trẻ mà. Hơn nữa (như bạn nói, Trung tâm ấy có bổn phận phải lo, bằng ngân sách, dù còn ít, và bằng sự hỗ trợ của mội người, dù còn hạn chế, cho những trường hợp tương tự như thế này nữa mà.

    Trả lờiXóa
  13. Mai: Em đúng là một người phụ nữ tuyệt vời. Ai mà cũng như em thì các bà mẹ Việt Nam được nhờ nhiều lắm. Nhất là quan niệm về sinh con đẻ cái của các bà mẹ ấy.

    Anh đã có dịp đến thăm một nông trường trên Sóc Sơn. Nhiều chị phụ nữ ở đấy quá lứa lỡ thì, họ không có chồng, nhưng có con. Nhiều cháu hay lắm. Được bác Giám đốc Nông trường thông cảm và thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội rất là nghiêm túc, như với tất cả những đứa trẻ khác ở Nông trường.

    Nhưng không phải ai cũng thông cảm và hiểu được như vậy. Vì thế, ai cũng hiểu được như em thì thế giới phụ nữ này được nhờ nhiều lắm đó!

    Trả lờiXóa
  14. Hí, anh Thụy "đùa" vui quá, em cám ơn nhé :)
    Tuy nhiên cũng phải công nhận xã hội ngày nay cởi mở hơn trước nhiều phải không anh? Em nghĩ cũng cần những người "bảo thủ" để đừng quá đà, kẻo sẽ có quá ít những trẻ đủ đầy cả cha và mẹ, sẽ lại là tội nghiệp.

    Trả lờiXóa
  15. Chuyện này rất nhiều ỹ nghĩa. Anh Thụy trả lời comment kỹ càng quá. Em đồng ý với mọi người. Việc này không nên khuyến khích, nhưng cũng khó ngăn cản được một khi họ có nguyện vọng.

    Em bổ sung là cần các bác sỹ vào cuộc và trả lời, vì những đứa trẻ có nguy cơ bị tật nguyền bẩm sinh từ cha mẹ thì bác sỹ có thể khuyên không nên.

    Đó cũng là điều mà em thắc mắc với các nạn nhân chất độc da cam. Mặc dù hiểu họ khao khát một đứa con khỏe mạnh, nên cứ sinh đứa này lại sinh đứa nữa. Nhưng tại sao không có bác sỹ tư vấn cho họ về khả năng con cái cũng bị dị tật. Hay là điều đó không khám định được, hay là luật không cho phép? nếu bác biết thì giải thích giùm em.

    Trả lờiXóa
  16. Mọi người quý mến, hạnh phúc khi sinh một đứa con là quyền/ước vọng của mọi người, và rất nhân văn. Nhưng đồng thời với đó, suy nghĩ đến nuôi dạy, tương lai của đứa trẻ và đóng góp của nó cho XH là trách nhiệm của mỗi người có ý định sinh ra một đứa trẻ.

    Trước, mình nghĩ chỉ ở các nước nghèo phúc lợi XH hạn hẹp mới khó trông chờ ở các trung tâm bảo trợ XH, còn ở các nước phát triển thì trẻ em thiệt thòi sẽ được chăm sóc tốt hơn về cả vật chất và tinh thần. Nhưng từ khi tiếp xúc, nói chuyện, hiểu về cậu bé lai Nga-Việt từng sống ở trại trẻ 18 năm về VN tìm bố thì mình thay đổi suy nghĩ. Cậu bé ngoan hiền nhưng ngơ ngác xa lạ với thế giới văn minh, hết sức cố gắng tự lập nhưng thật sự chông chênh trong suy nghĩ... rất đáng thương (trang LHSVN,vn.com và báo Lao Động có đăng bài về chuyện tìm cha của cậu bé Gienhia này).

    Vì thế mình cùng ý nghĩ với Gấu, không thể ngăn cản nguyện vọng nhưng không cổ xúy cho những câu chuyện như thế này, nếu có thì cũng nhắc tới cả quyền và trách nhiệm làm cha mẹ, âu cũng là nhân văn vì tương lai của một con người.

    Trả lờiXóa
  17. @Gấu: rất hay là em nhắc đến các nạn nhân chất độc da cam. Ở VN, rất nhiều trường hợp người ta sinh ra vài đứa con tật nguyền rồi mới biết mình nhiễm độc. Và lúc bấy giờ bác sĩ mới tư vấn (can ngăn và khuyên giải) Không biết Nhật bản áp dụng chính sách gì cho nạn nhân phóng xạ Hirosima và Nagasaki?
    Chị coi nhưng trường hợp này là điển hình của cái gọi là Người đã phá thì Trời cứu chẳng thấu.

    @Lana: mày biết không, câu "Không có chồng cũng được, mình vẫn mong ABC có con" là câu tao nói với mẹ đấy. Mình là người lành lặn thật nhưng làm sao biết bên trong bộ gen mình điều gì tiềm ẩn? Đấy là chưa nói đến những bệnh như autism không thể phát hiện trong quá trình thai nghén.

    Mình quả thật thấy mình và các bạn tàn tật bình quyền trong chuyện này. Cũng như bình quyền cả trong trách nhiệm nuôi dạy con trước xã hội.

    "Trách nhiệm của mỗi người có ý định sinh ra một đứa trẻ" câu này của mày là câu nói Vàng!
    Ý định sinh con, đó là ý thức về hành động của mình, bao giờ cũng cần mà không phải lúc nào cũng đủ.

    Trả lờiXóa
  18. @Lana: chú thích thêm:
    Ý định sinh con, đó là ý thức về hành động của mình, bao giờ cũng cần mà (đáng tiếc) không phải lúc nào cũng đủ, nhưng cả ở người lành và không lành!

    Trả lờiXóa
  19. Gauxx: Về vụ chất độc da cam thì anh có biết đôi chút, do có thời gian ngắn làm ở Bộ Lao Động-TBXH. Thực sự là khi gặp các đối tượng này, chẳng mấy ai dám hỏi kỹ, vì nhìn họ, gia cảnh họ thê thảm quá.
    Khi làm việc với chính quyền địa phương thì anh phỏng đoán có thể là vì những lý do sau đây:

    1. Hiểu biết hạn chế nên nghĩ là có thể những đứa tiếp theo sẽ không bị nên cứ thế là cố gắng có được một đứa với hy vọng là lành lặn.

    2. Bình thường thì ở các vùng quê ấy, các bác ấy đã đẻ nhiều rồi, nên có cố thêm trong hoàn cảnh các bác ấy, cũng là điều dễ hiểu.

    3. Lỡ "dính" rồi thì rất ngại đi xét nghiệm, siêu âm vì sợ sệt, vì lo lắng...

    Đại khái là vài nguyên nhân như vậy em ạ! Có thể là không chính xác hẳn những đều có phần nào sự thật.

    Tóm lại là mục sở thị thì rất là đáng thương và cũng có phần đáng sợ nữa.

    Trả lờiXóa
  20. Lana: Khẳng định là Lana quá chuẩn. Sinh ra một đứa con là niềm hạnh phúc lớn lao, nhựng đi liền với nó, cũng là một trách nhiệm nặng nề, với gia đình, với xã hội và hơn hết, là với bản thân đứa bé đó.

    Trả lờiXóa
  21. Mai: Đúng là không nên đi quá đà rồi. Cả ở người lành lặn nữa chứ đâu chỉ là những trường hợp tật nguyền. Chúng ta đang hạn chế mà!

    Trả lờiXóa
  22. Thích nhất vẫn là ko cần sinh con mà vẫn có thể có được cả đống con cái để take care...

    Trả lờiXóa
  23. Xin chào anh Thuy, làm phiền anh một tý. Đọc blog của anh lâu rồi, thấy hay quá. Giận nhất là sao mình ko ko viết được như anh, có cảm xúc trước cuộc sống được như anh, chẳng hạn như cái vụ lẩu băng chuyền ấy, chỉ ăn thôi chả nghĩ được gì. Thế là rồi cũng tập toẹ làm một cái gọi là blog, hôm đầu đẩy được 2 câu thơ lên, rồi mấy hôm nay bận quá, giờ vào lại chẳng thể nào làm gì được nữa. Trời ơi là trời, anh có thể chỉ bảo giúp được không ạ ?

    Trả lờiXóa