Anh bạn nhà báo gọi di động - A lô! Tình hình thế nào? Vẫn bình thường đấy chứ? - Vâng! Vẫn bình thường!
Thì tất nhiên là bình thường rồi. Anh là người bạn quý, lớn tuổi và rất gương mẫu. Hai anh em chơi với nhau đã từ lâu. Thỉnh thoảng, có mối khách hàng, anh vẫn giới thiệu cho công ty tôi. Tôi hỏi tiếp:
- Anh có việc gì phải không? Lại ông khách hàng Nhật Bản ấy à? - Ừ ông ấy đấy! Tao gọi về tổng đài công ty mày mấy lần mà chẳng thấy ai nhắc máy. Tưởng là công ty mày toi rồi cơ. Vẫn bình thường chứ hả? - Vâng! Vẫn bình thường mà! Mai anh qua đây làm hợp đồng đi!
Thật buồn cười vì câu hỏi thăm “vẫn bình thường chứ hả” của anh. - Rồi! Mai tao qua! May quá, không thấy tổng đài của mày trả lời, tao lại tưởng là toi rồi. Lạm phát đang hoành hành mà. Lại nghe tin mấy đứa cán bộ ra làm riêng. Lo cho mày quá nên hỏi thế thôi.
Đặt máy xuống, vội vàng yêu cầu cô nhân viên lễ tân kiểm tra máy điện thoại tổng đài. Hóa ra có bố nào đó, lúc nghỉ trưa, tắt chuông đi cho đỡ ồn ào nhưng đến giờ làm việc chiều thì lại quên không bật chế độ chuông trở lại. Tệ thật!
Hú hồn! Càng ngẫm nghĩ, càng thấy cuộc sống thật khắc nghiệt. Đôi khi, chỉ vì bạn lơ đễnh quên bật chuông điện thoại, bạn sẽ mất một khách hàng, mất một đối tác, thậm chí, công ty bạn được xem là đã giải thể!
Lượm lặt trên sách báo, chuyện kể, internet, blog bạn bè, ra được một lô một xốc, sửa lại một tí, cắt đi những thống kê không ổn lắm. Mọi người cùng bổ sung thêm, vào những so sánh khác biệt vui vui, đặc trưng của Hà Nội và Sài Gòn nhé!
Cà phê Sài Gòn: Cafe + ít sữa + đá + đá + đá \… + đá = 1 ly phê sữa đá. Xong cafe có 1 ấm trà to tướng \… Chan vào cafe uống \ Hết lại có thêm (không cần xin)\ Hà Nội: Cafe + sữa + 2 cục đá = cốc nâu đá. Xin mỏi miệng đuợc cốc nước lọc
Gọi điện ngoài đường Sài Gòn: Bạn hãy dừng xe - dắt lên vỉa hè - quay ngược đầu xe - nếu không muốn chiếc điện thoại của bạn cuốn theo chiều gió Hà Nội: Bạn hãy đứng giữa ngã tư tấp nập người qua để nói chuyện điện thoại - cho cả thế giới biết bạn là ai.
Cơn mưa Sài Gòn: Giống tính tình các cô gái Sài Gòn - đỏng đảnh nhưng mau quên Hà Nội: Giống tính tình các cô gái Hà Nội - âm ỉ và dai dẳng
Ăn mặc Sài Gòn: Bạn có thể mặc quần short, dép lê đàng hoàng vào Rex Hà Nội: Bạn có thể thấy các bác xe ôm mặc đồ vest đứng chờ khách bên Bờ Hồ
Giao thông Sài Gòn: Bạn có thể vượt đèn đỏ thoải mái - nhưng chớ có đi vào phần đường xe hơi Hà Nội: Bạn có thể lượn lờ trước mũi xe hơi - nhưng đừng có dại dột mà rẽ phải tùy ý
Ăn phở Tô hủ tíu mì Sài Gòn được bưng ra với tô được đặt trên chiếc đĩa Bát phở gà Hà Nội được khuyến mại với ngón tay cái của con bé bưng bê
Con đường Hà Nội: Đường, phố, ngõ, ngách Sài Gòn: Đại lộ, đường, hẻm, hẻm
Đụng hàng Khi hai cô gái cùng thích một món đồ giống hệt nhau Con gái Hà Nội: “Tớ với ấy cùng mua nó nhé?” Con gái Sài Gòn: “Ấy mua rồi à? Vậy tớ sẽ chọn thứ khác!”
Dao dĩa Khi bạn nói: “Cho tôi thêm một cái dĩa” với người bồi bàn Ở Hà Nội: Người ta sẽ mang cho bạn một cái nĩa Ở Sài Gòn: Họ sẽ mang cho bạn một chiếc đĩa
Tỏ tình Khi bạn nói với một cô gái: “Thế em có yêu anh không?” Con gái Hà Nội: “Nếu nói không thì sao” Con gái Sài Gòn: “Tại sao lại không nhỉ!”
Giàu có Bạn được coi là giàu có khi… Hà Nội: Bạn có rất nhiều tiền Sài Gòn: Bạn tiêu rất nhiều tiền
Karaoke Hà Nội: Chọn bài, hát vui là chính, hát sai tông cũng kệ Sài Gòn: Chọn số, hát hay là chính vì thế hát rất tình cảm. Nhỡ mà sai tông sẽ quê lắm đấy ạ!
Nhà sách Hà Nội : Nhân viên hách dịch Sài Gòn : Vào đọc chùa thoải mái, nhất là các em bé, có thể ngồi tại chỗ đọc mà không sợ bị đuổi
Shopping Hà Nội: Mới sáng sớm ngày ra mà đã mặc cả kinh thế, đi đi không để còn đốt vía nào! Sài Gòn: Cám ơn anh. Lần sau lại ghé em nha!
Ngồi ở quán Hà Nội: Ngồi lâu (hơn 30 phút) là bị đuổi! Sài Gòn: Muốn ngồi bao lâu thì tùy!
Phong cách sống Hà Nội: Ra ngoài ban ngày, đêm về với u nó Sài Gòn: Ngày ở với vợ, ban đêm ra ngoài nhậu với bạn Hà Nội: Nếu bạn gọi cái tẩy thì nó sẽ là cái tẩy Sài Gòn: Nếu bạn gọi cái tẩy, họ sẽ mang đến cho bạn một ly với cục nước đá
Giục người bán hàng gói hàng nhanh lên Sài Gòn: Vâng em làm ngay đây! Hà Nội: Làm gì mà cuống lên thế! Muốn nhanh biến sang hàng khác!
Con gái Sài Gòn: Da rám nắng, nói năng dễ thương Hà Nội: Da trắng, lạnh lùng khó bắt chuyện
Khách sạn Sài Gòn: Khi bạn dừng xe, sẽ có người mở cửa và giúp bạn bê đồ Hà Nội: Có thể bạn sẽ phải gọi rát cả cổ mà chưa thấy lễ tân đâu
Sinh viên và cave Sài Gòn: Nhiều em sinh viên trông như cave Hà Nội: Nhiều em cave trông như sinh viên
Tán gái Gái Hà Nội: Dễ tán, khó bỏ Gái Sài Gòn: Dễ bỏ, khó tán
Cuối tuần Hà Nội: Cả gia đình quây quần nấu nướng ăn tươi Sài Gòn: Đi ăn tiệm
Năm ngoái, sau sự kiện Giờ Trái đất, tôi đã viết bài này với tiêu đề Giờ Trái Đất, Được Và Mất. Thú thực là lúc đó, tôi đã cố gắng đi hỏi một vài thông số liên quan nhưng chẳng ai trả lời được.
Năm nay, cả nước đang rầm rộ tái hiện chương trình này. Có thêm vài số liệu, tôi sửa bài cho chuẩn hơn và vẫn muốn giữ quan điểm của mình về vấn đề Giời Trái Đất của mấy quan chức WWF.
Nói ra điều này, hẳn các quan chức của WWF chắc hẳn sẽ không vui. Nhưng có lẽ, tôi nghĩ, vẫn cần phải nói. Đó là tiết mục Giờ Trái Đất, một ý tưởng đang được triển khai khá ầm ĩ trên toàn thế giới, khởi đầu từ năm 2007, ở Australia. Nội dung chủ yếu của nólà khuyến cáo tất cả mọi người hãy tắt điện 1 giờ để hưởng ứng các hành động chống biến đổi khí hậu trên trái đất.
Tôi không biết WWF vận động tài trợ cho chương trình này từ những nhà tài trợ nào, song tôi nghĩ, đó phải là một số tiền không nhỏ. Riêng ở Việt Nam, năm ngoái, các tình nguyện viên đã đi phát trên 2 triệu tờ rơi. Còn năm nay, hàng chục ngàn biểu ngữ, hàng triệu tờ rơi cũng đã được phát. Chỉ với khoản mục in ấn này thôi, cũng là một món tiền khổng lồ. Chưa kể bao nhiêu chi phí cho những hoạt động truyền thông khác mà bộ máy truyền thông đại chúng vào cuộc, với tinh thần hầu hết là miễn phí.
Tắt điện 1 giờ, điều gì sẽ xảy ra? Tất nhiên là sẽ tiết kiệm được điện. Nhưng con số ấy chẳng đáng kể gì. Năm ngoái, cả 6 tỉnh và thành phố của Việt Nam tiết kiệm được 132 triệu VND. Thì cứ cho rằng theo cách giải thích của WWF, ngoài tiền ra, còn là vấn đề ý thức người dân về tiết kiệm năng lượng. Nhưng nếu bình tính xét lại, chúng ta sẽ thấy một vấn đề khác.
Ai cũng biết, điện hàng hóa là thứ sản phẩm không tích lũy được, không chứa ở trong kho được. Điện sản sinh ra cho nhu cầu dân dụng và sản xuất hiện nay đúng là đang thiếu. Tuy nhiên, nếu tất cả đồng loạt tắt điện, các nhà máy điện sẽ phải xử lý hàng loạt các yếu tố kỹ thuật. Công suất sử dụng bị ứ thừa. Mà lại chỉ ứ thừa trong thời gian ngắn ngủi 1 giờ đồng hồ. Sau đó lại tăng vọt lên. Thật đáng quan ngại nếu có sự cố kỹ thuật nào xảy ra.
Rồi nữa là vấn đề an ninh. Tất cả điện đóm tự nhiên tắt hết. Cả thành phố đen ngòm. An ninh trật tự bị đe dọa. Ai dám chắc không xảy ra một tình trạng mất an ninh nào. Tôi được biết, Công an Hà Nội đã phải chuẩn bị lực lượng ứng cứu, sử dụng đèn pin trực chiến để đề phòng các trường hợp bất trắc. Nhân dân thì được khuyến cáo sử dụng nến, sử dụng đèn sạc… Và chẳng biết thay vì sử dụng điện bằng các phương tiện chiếu sáng khác thì có tiết kiệm được không? Có làm cho môi trường này xanh, sạch được không?
Và còn biết bao phiền toái khác nữa.
Tôi chợt nhớ đến vụ Virut cúm H1N1 vừa rồi, được mấy ông bà ở Tổ chức Y tế thế giới WHO thổi phổng lên thành đại dịch toàn cầu, mà theo phanh phui của một số phương tiện truyền thông quốc tế thì chiêu PR ấy đã làm lợi cho các hãng dược phẩm hàng tỉ USD. Trên thực tế, tỉ lệ tử vong của cúm H1N1 còn thấp hơn cả cúm thường. Cả thế giới mắc lỡm vì đợt PR của một tổ chức phi chính phủ đầy tiếng tăm. Ai được hưởng lợi từ hoạt động này?
Vì thế, các hoạt động vì môi trường xanh, vì gì gì đi chăng nữa, cũng phải tính toán đến mọi khía cạnh phát sinh của vấn đề. Nếu không, sẽ chỉ là hình thức, sẽ chỉ là phiền nhiễu và thiệt hại cho cộng đồng mà thôi.
- Anh à! Em cám ơn anh rất nhiều. Em đã gặp anh bạn anh. Tụi em đang hoàn chỉnh hồ sơ tuyển dụng của em để ngày mai nộp. Có một tình tiết, em muốn anh giúp.
- Được thôi em! Cần gì em nói đi!
- Sự thể là thế này. Lương em khi còn làm cho anh là thế. Con số này, tất nhiên là tụi em không viết trên hồ sơ đâu. Tuy nhiên, nó lại rất quan trọng khi phỏng vấn. Bạn anh dặn em là lương ở chỗ cũ thì như vậy. Khi phỏng vấn, phải “thổi lên” cho nó hoành tráng. Tốt nhất nói con số gấp đôi. Em muốn anh giúp là nếu họ check tới anh, anh xác nhận cho em con số ấy nhé!
- Nhưng nói thế để làm gì hả em? Sao em không nói đúng ngần ấy. Sự thật là như thế, nói như thế có chết ai đâu. Còn lương của em khi làm ở đấy, nếu được nhận, thì hai bên thỏa thuận với nhau cơ mà.
- Biết thế! Nhưng không đơn giản thế đâu anh ạ! Thỏa thuận gì người ta cũng căn cứ ít nhiều vào nơi cũ. Mà anh bạn anh bảo rằng “làm lương” cao lên gấp đôi, bên ấy khi nhận, họ giảm xuống là vừa. Nếu may, họ còn xếp cao hơn thì càng tốt. Mà thôi, nói với anh dài dòng lắm. Lúc nào gặp, em sẽ trần tình. Giờ anh cứ giúp em vụ đó nhé!
Tóm tắt lại là cô em trước làm cho mình. Giờ bỏ đi. Với sự giúp đỡ của ông bạn mình, tìm được một nhà tuyển dụng. Tuần tới sẽ phỏng vấn. Để thêm phần hoành tráng và dễ “làm lương” cao với nhà tuyền dụng mới, định “tâng” lương cũ khi còn làm với mình lên gấp đôi. Nhà tuyển dụng, chẳng lẽ lại trả thấp hơn nơi cũ? Không trả cao hơn thì ít ra cũng phải bằng chứ. Chiêu này thật hay và độc!
Ngồi cùng chúng tôi là một cô gái trẻ mới ngoài 20 tuổi. Câu chuyện sẽ chẳng có gì lôi cuốn lắm nếu như cô không bất chợt đưa ra một chủ đề. Cách đây đã gần 7 năm, có nghĩa là khi ấy cô mới chỉ tâm 13-14 tuổi gì đó, cô có để ý đến một cậu bạn trai. Không, gọi là bạn trai thì không đúng lắm vì thực chất 2 người chưa kết bạn với nhau, có lẽ nên gọi là một người con trai thì đúng hơn.
Anh chàng này ở cũng ngõ với nhà cô. Và từ ngày ấy, cô thầm thương trộm nhớ đến anh chàng này. Theo cô nói thì suốt 7 năm qua, cô chẳng còn bụng dạ nào để ý đến ai khác. Nhưng éo le thay, anh chàng này lại chẳng để ý gì đến cô cả. Cô nêu ra câu hỏi và đề nghị chúng tôi cho một lời khuyên là làm thế nào để anh chàng kia để ý đến cô, chấp nhận và yêu cô?
Một người nói: Em nên bật đèn xanh để cậu ấy biết!
Nhưng đèn anh cô đã bật rồi. Mà hơn thế nữa, còn hơn cả đèn xanh nữa ấy chứ! Cô đã nhắn tin, đã gọi điện, đã mail cho cậu ấy biết tình cảm của cô dành cho cậu ấy. Nhưng chẳng ăn thua gì. Biệt vô âm tín!
Người khác khuyên: Làm gì phải tín hiệu. Em chặn đường, thực ra là chặn ở đầu ngõ thôi, rồi nói thẳng. OK thì tiếp tục, không thì thôi!
Chặn thế liệu có được cái gì không, hay chỉ làm người ta thêm mất thiện cảm thêm mà thôi.
Phần lớn thì bảo: Em điên à, đã thổ lộ như thế rồi mà nó không đoái hoài gì đến mình thì quên đi cho rảnh nợ. Thiếu gì đàn ông. Giờ đang mất cân bằng giới tính, 130 thằng con trai mới có 100 đứa con gái. Đàn ông sắp ế sưng ế sỉa đến nơi rồi. Sợ quái gì chứ!
Nhưng cô lại bảo thà ở giá còn hơn là yêu người khác, vì đã 7 năm qua, cô không thể yêu được ai khác rồi.
Thế đấy! Tình yêu là crazy mà! Làm thế nào bây giờ nhỉ?
Có lẽ cái tin đang hot nhất về môi trường chính là thông tin cá chết hàng loạt ở hồ Trúc Bạch. Một trong những hồ đẹp nhất ở Thủ đô sau nhiều năm an bình, giờ ô nhiễm đến mức cá chếttrắng mặt hồ. Cảnh tượng khiến không ai là không đau lòng.
Còn nhớ năm trước, cá cũng chết hàng loạt, dài tới vài cây số dọc theo Sông Nhuệ, con sông nổi tiếng của Hà Tây cũ và của cả đồng bằng Bắc Bộ. Nguyên nhân chủ yếu là do một số nhà máy, khu công nghiệp xả thẳng nước thải công nghiệp chưa qua xử lý ra sông. Nghe nói, để cứu một phần của dòng sông, phải chi tới vài ngàn tỉ đồng mới có thể hy vọng thành công.
Cách đây ít lâu, sông Thị Vải ở Đồng Nai cũng bị nước thải chưa qua xử lý của một nhà máy làm cho ngắc ngoải. Vụ này ầm ĩ cả nước. Xử lý đến tận giờ chưa xong. Mà dù có xử gì gì đi chăng nữa, sông Thị Vải cũng còn nhiều năm mới có thể trở lại như cũ được. Mà cũng có thể là chẳng bao giờ nữa.
Vài chục năm trước, chúng ta có sông Đáy, con sông thơ mộng một thời. Chắc hẳn rất nhiều người còn nhớ, còn thuộc vài câu của ca khúc Dòng sông quê anh Dòng sông quê em nổi tiếng. Lời bài hát có những đoạn thật đẹp. “Dòng sông Đáy quê em, sông trăng hay sông lụa? Nong kén vàng như lúa, tròn vạnh một góc trời. Dòng sông Đà quê anh, đá dựng ghềnh dựng thác, nước reo thành điệu nhạc, nguồn than trắng vô biên…”.
Sông Đà thì vẫn còn nhưng Sông Đáy thì đã mất từ lâu. Nhiều năm nay, ai đi trên tuyến đường cao tốc Láng-Hòa Lạc đều thấy một dòng sông chết, không hề có nước chảy nữa. Đấy chính là con sông Đáy trong ca khúc thơ mộng ngày nào. Vào thời điểm này, ở điểm giao nhau giữa sông Hồng và sông Đáy, cửa vào Sông Đáy cao hơn lòng sông nên nước đã không còn chảy vào sông Đáy được nữa. Phần nước ít ỏi còn lại thì chính là nước thải các nhà máy, các khu công nghiệp xả ra mà thôi.
Một ngày nào đó, đất nước phồn thịnh, nhà nhà giàu có. Chúng ta sẽ xây nhiều nhà máy hiện đại, nhiều khu công nghiệp hoành tráng, chúng ta cũng sẽ xây lên nhiều tòa cao ốc chọc trời, nhiều tuyến đường cao tốc trải dài tít tắp…
Nhưng còn những dòng sông, những hồ nước thơ mộng một thời?
Con người chúng ta không thể sống mà không có tình yêu. Chân lý ấy chả còn gì phải bàn cãi. Đã thế, tình yêu có thể tới bất thình lình, sau đó ra đi còn bất thình lình hơn.Con người chúng ta cũng chả ai muốn chiến tranh cả. Nhưng chiến tranh vẫn tới, đôi khi cũng rất bất ngờ. Vậy giữa hai thứ này có gì giống nhau và khác nhau?
Lượm lặt trên blog bè bạn, trên internet, sách báo và nghe mọi người kể lại, cặm cụi gọt dũa đôi chút, xin thống kê một số điểm để các bạn biết và... cố gắng chịu đựng nhé!
Tình yêu gây ra đổ vỡ, thậm chí cháy nhà, cháy quần áo và đồ đạc. Chiến tranh cũng vậy. Cũng đổ vỡ, cũng cháy nhà, cũng mất hết cả đồ đạc và quần áo.
Trong chiến tranh có kẻ đầu hàng và bị bắt làm tù binh. Khi thành tù binh, có khi bị thẩm vấn suốt ngày. Tình yêu cũng thế, thậm chí còn căng thẳng hơn, có trường hợp cả đời bị thẩm vấn.
Tù binh chiến tranh bị nhốt trong trại giam. Tù binh tình yêu bị nhốt trong nhà.
Trong chiến tranh phần lớn phải có tiếng nổ mới có chết chóc. Trong tình yêu, im lặng luôn báo hiệu tử thần.
Khi chiến tranh nổ ra, người ta kêu gọi tổng động viên, muốn càng nhiều người tham dự càng tốt. Khi tình yêu nổ ra, ai cũng chỉ muốn một mình.
Kẻ gây ra chiến tranh thường ảo tưởng. Kẻ gây ra tình yêu cũng thế, toàn tưởng tượng vớ vẩn.
Chiến tranh có nhiều nước mắt. Tình yêu cũng nhiều chả kém gì.
Mục đích của chiến tranh phần nhiều là chiếm đất. Mục đích của tình yêu là chiếm người. Chẳng khác nhau là mấy!
Chiến tranh có thể đàm phán liên miên mà không kết quả gì. Tình yêu cũng thế! Cũng xin lỗi, cũng nằn nì, cũng năn nỉ ỉ ôi nhưng phần lớn là chẳng đi đến đâu.
Cả trong chiến tranh lẫn tình yêu, địch đều thích tấn công ở chỗ ta không đề phòng.
Cả trong chiến tranh lẫn tình yêu, người ta đều ngồi thụp xuống khi nghe tiếng rít.
Chiến tranh có những giây phút hùng tráng. Tình yêu cũng vậy.
Để chiến thắng trong chiến tranh, người ta phải xông lên. Để chiến thắng trong tình yêu, người ta phải thụt lùi.
Chiến tranh nhiều khi rất vô lý. Tình yêu cũng vậy, hầu hết là chẳng biết vì đâu và vì lý do gì?
Khi chiến tranh kết thúc, người ta ca hát. Khi tình yêu kết thúc, người ta khóc than (nhưng cũng có khi ca hát, tuy rất hiếm hoi).
Chiến tranh kết thúc khi một bên đầu hàng. Tình yêu kết thúc khi cả hai bên đều đầu hàng.
Người ta gọi những thời điểm ác liệt trong chiến tranh là “trận đánh”. Người ta gọi những thời điểm như thế trong tình yêu là “hẹn hò”.
Cả trong chiến tranh lẫn trong tình yêu, người ta đều hồi hộp.
Cả trong chiến tranh lẫn trong tình yêu đều có những nạn nhân vô tình đi qua.
Cả trong chiến tranh lẫn trong tình yêu, người ta đều có khả năng bắn nhầm bạn bè.
Người lính trong chiến tranh có thể chết vì một viên đạn. Người đang “tham gia” tình yêu có thể chết vì một câu nói.
Chết trong chiến tranh gọi là “hy sinh”. Chết trong tình yêu đôi khi được gọi là “đồ ngốc”.
Cũng bởi vậy mà trạng thái của tình yêu thật là kỳ lạ. Sau khi xem xong toàn bộ những so sánh trên đây, hai người đàn ông tâm tình với nhau:
- Tôi là kẻ thực sự đen đủi trong hôn nhân. Mãi mà tôi chẳng gặp được người phụ nữ nào như ý. - Tôi thì cũng có hơn gì anh đâu! Người vợ đầu tiên tống cổ tôi ra khỏi nhà. Người thứ hai thì khi không bỏ tôi mà đi. Còn bà vợ hiện nay thì cứ sống mãi, sống mãi bên tôi.
Sáng Chủ nhật, bầu đoàn thê tử nhà tôi tập trung về nhà ông anh cả ở Bắc Ninh để chuẩn bị hành quân đi ăn hỏi cho ông cháu đích tôn của gia đình. Đang lẩn thẩn ngoài vỉa hè, chờ mọi người chuẩn bị đồ dẫn, tôi bỗng nhận ra từ đầu giờ sáng đến giờ, cái loa phát thanh công cộng cứ oang oang hết bài quan họ này, đến bài quan họ khác.
Một lát sau, mọi người lục tục lên xe. Vừa yên chỗ, anh lái xe đã cho bật cái màn hình DVD mini trên mặt táp-lô. Màn hình “độ” thêm chứ bản thân xe Inova không có. Lại quan họ. Lần này là đĩa DVD có cái tên rất là hoành tráng: Duyên Quan họ! Ngó qua, thấy video clip làm rất đẹp, rất bắt mắt. Âm thanh xe hơi cũng khá ổn.
Đến nhà gái. Thủ tục hai họ nhanh chóng được hoàn tất. Mọi người vui vẻ chuyện trò. Bỗng ai đó nói: “Các bác xem thế nào, cũng phải có vài làn điệu cho nó thêm xôm tụ chứ hả?”. Nhà gái lúng túng giây lát vì có lẽ không lường trước đến tình huống này. Bác đại diện bên nhà trai vui vẻ gạt đi vì không muốn đưa “đối tác” vào tình thế bị động.
Khi quay về, chúng tôi lại tiếp tục quan họ trên màn hình DVD của xe hơi. Về đến nhà, xuống xe, vẫn thấy loa công cộng ra rả các làn điệu quan họ. Hết Giã bạn, Đến Hẹn Lại Lên đến Ngồi Tựa Mạn Thuyền, Người Ơi, Người Ở Đừng Về…
Tôi hỏi ông anh: “Thế ngày nào họ cũng làm thế này hả bác?”. Anh nói: “Cũng không hẳn. Nhưng hễ mở loa là quan họ. Bình thường thì hát một chập rồi đến vài cái thông báo, rồi lại quan họ. Hôm nay thế nào nên họ mới mở toàn hát thế đấy chứ!”
Anh cho tôi biết, dân tình cũng góp ý nhiều rằng không nên cứ ra rả mãi quan họ như thế, nghe rất là căng thẳng và nhàm chán. Góp ý thì cứ góp ý chứ biết là chẳng thấm vào tai ai. Có lần kêu quá, bà con được người phụ trách giải thích là bản thân họ cũng có muốn thế đâu, nhưng trên bảo là phải làm thế để gìn giữ và phát triển nét văn hóa đặc sắc của quê hương. Thế cho nên, sẽ có những ngày, cả ngày người dân bị quan họ “khủng bố” như thế đấy.
Đồng ý là giữ gìn và phát triển văn hóa. Nhưng có nhất thiết phải mang một trong những làn điệu dân ca hay nhất của người Việt mình ra rả trên cái loa công cộng, mà chức năng chủ yếu của nó là để thông báo tin tức không nhỉ?
Trúng giải đặc biệt đợt khuyến mại của một Hãng Bia lớn, cô nhận được vé du lịch đi mấy nước Châu Âu. Lần đầu tiên xuất ngoại, lại được đi một loạt các quốc gia phát triển, cô phấn khởi lắm. Cũng là kết quả có hậu cho cả quá trình học tiếng Anh bền bỉ của cô. Anh em trong cơ quan, ai cũng vui. Và tất nhiên, ai cũng đòi quà. Cánh đàn ông, con trai ra sức khẳng định là nhờ có họ uống bia mệt nghỉ, cô mới có nhiều phiếu dự thưởng và vì thế, mới trúng cái giải đặc biệt to như thế!
Gần 2 tuần vi vu Pháp, Đức, Hà Lan và Italy, cô trở về với lỉnh kỉnh hàng lô quà cáp. Người thì cái khăn bông bay, cái bấm móng tay, người thì đôi tất giấy, thỏi son… Riêng anh, cô trịnh trọng tặng cái áo len, cái khăn quàng của Pháp chính hiệu. Anh thích lắm! Cái áo len thật đẹp, màu be hồng còn cái khăn len dài hơn 2 mét. Ở trong nước, không có món nào giống được như thế hết. Có thể nói là của độc.
Lúc cô đưa quà, anh thấy lẫn trong túi một cái hộp giấy thật đẹp. Mở ra, hóa ra là chiếc thắt lưng da của Italy. Chiếc thắt lưng màu nâu sậm, khóa mạ crôm mờ, thật sang trọng và hợp mốt. Anh biết, đó là niềm ước mơ của nhiều chàng trai. Nhưng anh cũng biết, món quà đó không dành cho anh. Anh bảo: “Hình như cái này không phải của anh, đúng không?”. Cô cầm lại, cười cười: “Vâng, cho em xin lại!”.
Trong đám con trai đang làm việc cùng cơ quan, cô thích một anh chàng. Anh giỏi giang, năng động và có chí tiến thủ, hiện đang giữ vị trí điều hành sản xuất cho tờ Tạp chí tiếng Anh. Suốt ngày làm việc với Tây, Tàu. Anh là cái đích hướng tới, là niềm mơ ước của nhiều cô gái. Và anh đoan chắc rằng, chiếc thắt lưng da ấy, cô mua là để làm quà cho anh chàng nọ. Nghĩ như thế, nhưng anh chẳng nói gì cả!
Chiều hôm ấy, cơ quan ầm ĩ vì có hai cô gái lườm nguýt, cãi cọ nhau. Đám thanh niên rỉ tai rằng nguyên nhân chính là do cả hai cô cùng thích anh chàng ấy. Đều quyết liệt lao vào tấn công. Và chuyện gì đến ắt phải đến. Hôm đó, lấy cớ công việc có gì đó không trôi chảy, hai cô gái chính thức khởi sự chiến tranh. Anh chàng nọ thì lờ tịt đi, coi như không dinh líu gì đến mình. Anh bỏ ra ngoài suốt cả chiều không quay lại.
Dường như chính cái cuộc cãi vã nhau của hai cô gái ấy đã khiến cô buồn mất mấy ngày. Cái hộp giấy đẹp, đựng chiếc thắt lưng da Italy vẫn để trên bàn làm việc của cô, mặc dù anh biết, lý ra, nó phải đến tay vị chủ nhân đáng lẽ nó phải đến từ mấy hôm rồi. Một tuần nữa qua đi, cái hộp giấy vẫn ở đấy, dù rằng có vẻ cô đã hết buồn.
Rồi sáng thứ bảy hôm ấy, cô vào phòng anh, tay cầm cái hộp giấy có chiếc thắt lưng Italy, cô cười thật tươi và nói: “Anh thích cái này phải không?”. Anh lúng túng: “Anh thích, nhưng em nói là mua cho bạn em mà!”. “Thôi, chẳng có bạn nào hết! Mà anh cũng là bạn em. Anh là người xứng đáng nhất. Của anh đấy nhé!”.
Không một chút tự ái, anh nhận món quà muộn mằn của cô dù biết chắc chắn rằng đúng ra, nó không phải là để dành cho anh.
Mười một năm đã trôi qua…!
Anh chàng nọ đã lấy vợ và có 2 con. Có điều, cái người mà anh lấy lại không phải là một trong hai cô đã chí chóe nhau trong cái buổi chiều hôm ấy. Còn cô, cô cũng đã lấy chồng và đang sống một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Có điều, cả anh chàng ấy và cô, mỗi người đều có một bí mật không bao giờ được biết.
Anh chàng thì chẳng bao giờ có thể biết rằng, mình đã có một chiếc thắt lưng da Italy thật đẹp của một cô gái xinh đẹp, giỏi giang gấp nhiều lần những người phụ nữ đã vây quanh anh ngày ấy mua tặng.
Còn cô, cô không bao giờ được biết rằng suốt mười một năm qua, anh chưa bao giờ dùng cái thắt lưng ấy một lần. Anh giữ nó, nâng niu nó như một kỷ niệm không bao giờ quên, dẫu biết rằng thoạt đầu, nó đâu có phải là để dành cho anh. Tất cả chỉ vì một câu nói: “Anh cũng là bạn em. Anh là người xứng đáng nhất!”.