Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

NHÀ CHỨA TRONG TRANH



Không nghĩ là một số nhà phê bình và bạn bè lại đẩy sự việc Tranh Đông Hồ vẽ chủ đề Nhảy Đầm và Nhà Chứa… thành ghê gớm đến thế. Lâu nay, người ta vẫn quen với việc xem Tranh Đông Hồ, một trong những dòng tranh dân gian của Việt Nam, là cái gì tầm cỡ, là hoành tráng lắm. Thậm chí, có người còn nói nó xứng đáng được xem là di sản quốc gia, quốc tế nữa. Cho nên, việc thể hiện các chủ đề “nhạy cảm” và có vẻ không được cao cấp như vậy trên dòng tranh này là không thể chấp nhận được.

Có nên khắt khe như vậy không? Và quan trọng là khắt khe như thế có đúng không? Và để làm gì?

Tranh Đông Hồ được thể hiện bởi những nghệ nhân vẽ tranh, thực chất là những người thợ vẽ học truyền tay theo kiểu cha truyền con nối, chứ không hề là dân chuyên nghiệp như bây giờ ta vẫn thường nói. Tranh thường chọn các chủ đề rất gần gũi đời thường như Đánh Ghen, Đám Cưới Chuột, Thiếu Nữ Ngủ Ngày…Và cái hay, cái độc đáo của Tranh Đông Hồ chính là ở chỗ ấy. Thể hiện bằng nét tài hoa lãng tử và với các chủ đề luôn bám sát cuộc sống hàng ngày.

Vậy thì, vào thời buổi hôm nay, Đông Hồ thể hiện Nhảy Đầm là được đấy chứ! Riêng cái Nhà Chứa thì quả thực là tôi không khoái lắm. Vì Nhà Chứa ở mình đâu có thật đâu. Các em đứng đường, bắt khách rồi đưa vào nhà nghỉ nào đó. Nhưng mà muốn thể hiện được cả cái công đoạn ấy thì nghe chừng hơi loằng ngoằng. Có lẽ vì như thế nên các nghệ nhân mới thể hiện gọn lại như vậy.

Đừng quá khắt khe với Đông Hồ như vậy. Và nhất là đừng “cao cấp hóa” một dòng tranh mà bản chất vốn có làm nên tên tuổi nó là sự dung dị và đời thường. Tôi yêu Tranh Đông Hồ vĩ lẽ đó, và rất sợ một ngày nào đấy nó lại trở thành tranh cổ động.






29 nhận xét:

  1. Từ trước tới nay mọi người vẫn quen nhìn nhận tranh Đông hồ là tranh dân gian nên em nghĩ hãy để Đông Hồ mãi dung dị như vậy đi, anh nhỉ?

    Trả lờiXóa
  2. Híc, thế nước mình đến "văn hóa thanh lâu" cũng không có ư?

    Trả lờiXóa
  3. Bác Thụy có cái nhìn và đánh giá chưa đúng rồi. Bác nói về Tranh Đông Hồ như thế này là Đụng Hàng rồi!
    Bức tranh bác thụy treo lên có tên là: "Gái bảy nghề" thuộc bộ tranh đôi có tên "Trai tứ khoái, Gái bảy nghề":
    Thông tin thêm: "Bộ tranh đôi Trai tứ khoái - gái bảy nghề, nghệ nhân đã rất khéo đổi câu vè quen thuộc trong dân gian chê các cô gái hư hỏng: “Ngồi lê là một, dựa cột (lười nhác) là hai/ theo giai là ba/ ăn quà là bốn/ trốn việc là năm/ hay nằm là sáu/ đánh cháu là bảy” thành “đăng sê (nhảy đầm) là một/ theo mốt là hai/ đánh bài là ba/ đàn ca là bốn/ trốn nhà là năm/ đi săm (nhà chứa) là sáu/ Mang cháu (chửa hoang) là bảy. Bộc lộ sự phê phán riết róng cái việc đánh mất thuần phong để đi vào bại tục.
    Chỉ một góc nhỏ thôi trong tranh Đông Hồ đã cho ta thấy nghệ nhân với trách nhiệm xã hội đã đóng vai trò phê phán quyết liệt những thói xấu từ quan trường đến đời sống dân sự. Họ là nghệ nhân nhưng cũng là những nhà báo trứ danh đó chứ!"
    Xem chi tiết (http://thethaovanhoa.vn/133n20090622093255702t0/tranh-dong-hothoi-van-minh-tien-bo.htm)

    Trả lờiXóa
  4. Thông tin của anh HN đưa ra hay quá ạ. Thanks anh nhiều :)

    Trả lờiXóa
  5. Mẹ Cua và Bống: Đúng là tranh dân gian thì nên để các chủ đề và cách thể hiện nó cũng là dân gian thôi em ạ!

    Trả lờiXóa
  6. HwoangNguyen: Hoan hô em! Phân tích của em rất là hay và chính xác. Chỉ có một điểm nhỏ, đó là em hiểu sai ý anh. Chúng ta đều cùng đang bảo vệ tranh Đông Hồ đấy chứ! Em đọc lại bài của anh lần nữa đi mà xem.
    Cái phần em phân tích về "Trai tứ khoái, gái bảy nghề" hay lắm. Anh có nghe câu này, nhưng quả thực là không biết gì. Đọc cái com của em mới biết đấy. Thanks em nhé!

    Trả lờiXóa
  7. VMC: Hà hà! Ai dám cổ động cái văn hóa thanh lâu ấy ở Việt Nam chứ! Mà lần đầu tiên anh nghe được cụm từ này đấy em ạ!

    Trả lờiXóa
  8. Ấy, bài viết này là của họa sĩ Đỗ Đức! Em chỉ Publish lên thôi mà.
    Thanh minh một tí nhé, xem ra không phải là em hiểu sai ý của bác, mà như vầy:
    I. Bác Thụy có cái nhìn và đánh giá chưa đúng rồi. Tại sao?
    1. "Vậy thì, vào thời buổi hôm nay..." (Bức Tranh này ra đời từ thời Pháp thuộc. Không thể hiện cho văn hóa vào thời buổi hôm nay như bác nói)
    2. Bác dùng tiêu đề nhấn mạnh "NHÀ CHỨA TRONG TRANH" và hoạt động mại dâm ngày nay, để nói về việc bảo vệ một dòng tranh dân gian, như thế là: "có cái nhìn và đánh giá chưa đúng".
    3. Chỉ có những họa sĩ thời nay mới tìm cách làm cho tranh của họ cao cấp, dựa vào chất liệu tranh Đông Hồ.
    4. Nếu xét về tính thời sự và trên phương diện cổ động thì Tranh Đông Hồ và các nghệ nhân làm tranh Đông Hồ là bậc thầy.

    II. "Đụng Hàng" cái này không phải là ý kiến của em đâu, bởi nếu các nghệ nhân làm tranh Đông Hồ đọc bài viết này, e rằng sẽ có tranh luận to, thậm chí còn hơn cả tranh luận nữa đấy. Có lẽ là với họa sĩ Đỗ Đức trước!

    III. Ủa, mà chính xác thì ý của bác là gì? Mà bác lại nói em hiểu sai ý bác.

    Trả lờiXóa
  9. Lần đầu tiên em được nhìn thấy bức này đó. Hic...nếu không đọc diễn giải của HN thì em không hiểu đâu.
    Các cụ ngày xưa hay thật. Cái này chăc là treo để khuyên răn con cái đây :-D

    Trả lờiXóa
  10. HwoangNguyen: Ý của anh là đừng có cải tiến, hiện đại hóa tranh Đông Hồ thôi! Nếu mà thế thì sợ lém!

    Trả lờiXóa
  11. Titi: Bức này, nếu em đến Chùa Bút Tháp, gần Làng Tranh Đông Hồ thấy bán nhiều lém. Tuy nhiên, chẳng ai cho mình biết những kiến thức như HN com ở trên cả. Đọc xong cái com của HN, thấy bức tranh ấy có giá trị gấp nhiều lần. Có nghĩa là mình hiểu được bức tranh ấy em!

    Trả lờiXóa
  12. Vầng, có lẽ nó từng bị cấm nên một kẻ từng xục xạo các kiểu tranh dân gian về treo nhà như em lại ko hề bit có nó trên đời. Hic... may mà nó chưa thất truyền ạ. Hic...

    Trả lờiXóa
  13. Ơ trên tranh này lẽ ra phải là Trốn nhà chứ ko phải Chốn nhà chứ nhỉ, lẽ nào các cụ viết sai hả anh?
    Em chưa bao h coi tranh Đông Hồ là hoành tráng. Nghiêm túc thì tư duy nghệ thuật của người Việt chưa phát triển. Nếu nhìn những sản phẩm thủ công tinh xảo của các nước gần thôi TQ, của Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan thì nhiều người sẽ thôi ngay ý định cái j của VN cũng đòi làm di sản văn hóa quốc tế ngay.
    Điều đáng chán là những thứ văn hóa cổ như tranh ĐH cứ được người ta ôm riết tự hào là cần bảo tồn những không ai nghĩ là phải phát triển nó ra, nghĩ thêm nhiều đề tài mới đương đại để thổi vào tranh cái hồn của cs thời nay, nghĩ ra nhiều loại màu tinh xảo, lưu giữ lâu hơn....

    Trả lờiXóa
  14. Cảm ơn anh Thụy đã đưa đề tài về bức tranh ĐH này, cảm ơn H.Nguyen đã đưa về diễn giải rất hay. Lana học thêm được rồi đấy.

    Trả lờiXóa
  15. Titi: Tiện thể, anh tư vấn thế này: Tại sao mình không làm một chuyến Chùa Dâu, Chùa Bút Tháp nhỉ? Rồi đến Lăng Mộ Thủy Tổ Việt Nam Lạc Long Quân, thăm Làng tranh Đông Hồ... Em mua được khối thứ đấy nhé!

    Trả lờiXóa
  16. Dứa: Trốn nhà hay Chốn nhà thì chính anh cũng không dám chắc, vì Đông Hồ là tranh dân gian, nên các cụ viết cũng thâm thúy lắm. Nhưng có điều này anh dám chắc là các cụ không viết sai đâu em ạ! Hì

    Nếu nói về phát triển tranh Đông Hồ thì anh có đọc một bài báo ở báo nào anh quên rùi. Bài ấy nói là cả làng Đông Hồ giờ chỉ còn 2 gia đình vẽ tranh cổ thui. Vì vẽ thế đói lắm, không đủ ăn. Hic! Đọc mà tiếc. Mất mất tranh Đông Hồ thì tiếc lắm!

    Trả lờiXóa
  17. Lana: Anh đưa bài này, đưa bức tranh này, nhưng nói thật là nhiều điều HwoangNguyen giải thích anh mới biết đấy. Hi hi!

    Trả lờiXóa
  18. Chỉ còn 2 nhà vì đói vì ko ai mua tranh ĐH làm j cả, ai mà muốn mua những bức tranh cũ rích và ở đâu cũng có chứ? Bản chất tranh ĐH là vẽ về những sự kiện thân thuộc xảy ra trong cs xung quanh. Bao nhiêu năm nay vẫn chỉ quanh đi quẩn lại có tranh gà tranh lợn, tranh đánh ghen, đám cưới chuột, ko có đề tài j mới ai mà quan tâm.
    Nhà nước cứ đầu tư cho vài nghệ sĩ học việc, đưa ra những đề tài mới của XH hiện đại xem, vừa bảo tồn được vốn cổ, vừa hướng được sự chú ý và yêu thích của XH vào tranh ĐH.

    Trả lờiXóa
  19. @Dứa: Bạn ơi, nếu người ta nghĩ ra nhiều loại màu tinh xảo thì còn đâu là bản sắc, điều các bạn nước ngoài thích chính là "Tranh Đông Hồ hồn hậu nét tươi trong - Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp". Có thể sẽ thêm các chủ đề đương đại nhưng khi đó sẽ không đặt tên là tranh Đông Hồ mà sẽ là abc gì gì đó. Các sản phẩm thủ công tinh xảo ư? Bạn cứ vô các làng nghề thủ công mỹ nghệ bên Bắc Ninh hay Hà Tây, tinh xảo cực kỳ, đẹp mỹ mãn, tuyệt vời!
    Giữ được chất liệu tạo tranh như các cụ mình mới khó vì tốn công, tốn nguyên liệu chứ vù cái công nghệ như hiện tại thì dễ dàng biết bao,

    Trả lờiXóa
  20. Một điểm đặc biệt của tranh nữa là
    "Tranh làng Ðông Hồ không phải vẽ theo cảm hứng nghệ thuật mà người ta dùng ván để in. Ðể có những bản khắc đạt đến trình độ tinh xảo phải có người vẽ mẫu. Những người vẽ mẫu và bản khắc ván đòi hỏi họ phải có lòng yêu nghệ thuật và tâm hồn nghệ sĩ, đặc biệt phải có trình độ kỹ thuật cao. Công đoạn in tranh có lẽ không khó lắm bởi lẽ ai cũng có thể phết màu lên ván rồi in"
    Các bản khắc gỗ này cũng mai một đi, phần do chiến tranh loạn lạc khi xưa, phần các bản này cũng nằm trong sưu tập đồ cổ,

    Trả lờiXóa
  21. Em nêu ý kiến của mình ra cũng chỉ là 1 ý kiến tham khảo. Tuy nhiên, theo em văn hóa cổ không phải là thứ để ngồi tiếc suông hay giữ khư khư những giá trị truyền thống bởi như thực tế hiện nay đã cho thấy, các làng nghề đang ngày 1 mai một, người làm nghề ngày càng ít do các sản phẩm làm ra ko bán dc, công chúng ko ai quan tâm do ko có sản phẩm nào mới. Nhiều làng nghề lâm vào tình trạng lao đao do bế tắc, ko có lối ra. Bao nhiêu năm nay người ta vẫn nghĩ đến tranh ĐH chỉ với bằng đấy đề tài đã cũ. Không ai còn thiết tha bởi nó ko có nội dung j mới, ko phản ánh được đời sống sinh động của cs hiện thực.

    Hơn nữa nếu cứ nghĩ đổi mới là làm mất đi vốn cổ thì mãi mãi sẽ ko bao h thoát đi lối tư duy cũ và các làng nghề cũng sẽ mãi loay hoay trong vòng bế tắc của mình. Nếu ngày xưa ông tổ của nghề làm tranh ĐH ko có tư duy đổi mới, ko sáng tạo ra cách làm tranh độc đáo ấy liệu có đc tranh ĐH như ngày nay?

    Hơn nữa, tranh ĐH ko phải chỉ để bán ko cho các bạn nước ngoài, mà cái cần là người VN cũng phải quan tâm tới nó. Bán cho Tây phỏng ích j khi chính người trong nước ko còn thiết tha đến những sản phẩm truyền thống quê mình. Đổi mới nó không phải là làm mất đi công nghệ truyền thống, mất đi nét tươi trong sáng tạo trong tranh ĐH

    Còn cuối cùng thì ý em vẫn muốn nhấn mạnh là : " Đối với nghệ thuật, thà sáng tạo (tất nhiên ko làm biến thái hay mất đi) còn hơn ko làm gì"

    Trả lờiXóa
  22. Cái entry này hay quá, mở mang thêm nhiều kiến thức thật

    Trả lờiXóa
  23. @Dưa: Uh, mỗi người một gu thật, mình thì chỉ thích tranh Đông Hồ như xưa thôi. Nhưng mình cũng xem một số phim cổ trang Hàn Quốc chẳng hạn như Nàng Hwang Ji Ni, mình cũng cười bể bụng vì cây đàn truyền thống của Hàn Quốc, các bạn ấy đánh nghe như tiếng bật bông, điệu múa sếu cổ của Hàn Quốc, các bạn í múa chẳng đẹp, hấp dẫn như múa Trung Quốc, cả nhà mình cùng cười vì sự đơn điệu trong những sản phẩm văn hóa của Hàn. Nay nghĩ lại thì đúng là tại sao tranh Đông Hồ của mình có người lại cười rồi,

    Trả lờiXóa
  24. Ôi bạn Dứa "diễn thuyết" hay thế nhỉ! Tuổi trẻ tài cao, Khâm phục, Khâm Phục, Khâm Khâm Phục!

    Trả lờiXóa
  25. Lan và Dứa: Bảo toàn vốn cổ của cha ông đang là một trong những vấn đề đau đầu nhất đấy các bạn ạ! Trong một số lĩnh vực, các cuộc tranh luận giữa các nhà khoa học, nhà xã hội học và các cơ quan bảo tồn văn hóa nhiều khi rất căng thẳng nhưng vẫn chưa tìm được lời giải cho bài toán bảo tồn.
    Đúng là để tranh Đồng Hồ sống mãi, nó không chỉ được làm ra để bán cho khách nước ngoài, mà ngay những người Việt Nam cũng phải trân trọng, yêu quý và quan trọng nhất là dùng nó.
    Nhưng ít người dùng tranh Đông Hồ lắm. Không phải vì nó xấu, không phải vì nó không chịu đổi mới đâu. Làm khác đi, tranh Đông Hồ đâu còn là tranh Đông Hồ nữa. Cái này cũng đang xảy ra với nhiều làng nghề nữa, chứ không phải chỉ là tranh Đông Hồ đâu.
    Đúng là tranh Đông Hồ dùng ván khắc để in. Làm cái đó, tầm cỡ nghệ nhân mới thực hiện được. Và cũng tốn công, tốn sức lắm. Nó lại còn liên quan đến vốn liếng, thu hồi... và bao nhiêu chuyện khác nữa.
    Cơ chế thị trường gõ của từng gia đình, nó cũng làm cho những sản phẩm truyền thống của chúng ta phải đương đầu với nhiều sẩn phẩm khác, mà lúc đã mang nhau ra thị trường thì quy luật cạnh tranh khắc nghiệt như thế nào, các bạn cũng đã biết.
    Cuối cùng, mình muốn nói là chình mình, đi Chùa Bút Tháp vài lần, mỗi lần cách nhau vài năm, mà vẫn thấy chỉ có những tranh ấy, mẫu ấy... mình cũng không mua nữa, không dùng nữa. Vì đơn giản là đã có rùi. Thế thôi!

    Trả lờiXóa
  26. Đàm Hà Phú: Nói chính xác Phú ạ, thì chính là những cái com của mọi người mới mở mang ra nhiều kiến thức, chứ bản thân cái entry của anh thì chỉ có phần nhỏ thôi, chính xác là nó nêu ra vấn đề thôi. Hic!

    Trả lờiXóa
  27. Nặc Danh: Dứa đang ở Nhật mà. Mà Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam... đang đau đầu về việc gìn giữ văn hóa cổ của cha ông đấy.

    Trả lờiXóa
  28. Anh nói đúng, bảo tổn gìn giữ văn hóa cổ của cha ông đang là vấn đề đau đầu..Thử tưởng tượng tới thế hệ Bống Cua nhà em không được tận mắt, tận tay sờ tới một bức tranh Đông Hồ nào, hic..

    Trả lờiXóa
  29. Mẹ Cua và Bống: Rất có thể đấy em ạ!

    Trả lờiXóa